Việt Nam: Lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư Nhật Bản
Tập đoàn Aoen Mall (Nhật Bản) đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ tại Việt Nam |
Dấu ấn Nhật Bản
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2016, các DN Nhật Bản đã đầu tư hơn 29.000 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 39 tỷ USD. Hiện Nhật Bản đứng thứ 2/110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Ngày 14/3/2016, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Johnan Shinkin (Nhật Bản) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hai nước trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thông qua sự kiện này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn, DN lớn của Nhật Bản.
Hiện đã có nhiều tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam như Toyota, Honda, Canon, Sumimoto... Với Tập đoàn Sumimoto, dù đã đầu tư vào Việt Nam 2 khu công nghiệp (KCN) Thăng Long I tại Hà Nội và Thăng Long II tại Hưng Yên, cuối năm 2015, tập đoàn này tiếp tục đầu tư vào KCN Thăng Long III tại Vĩnh Phúc.
Ngay trong tháng 2/2016, 100 DN Nhật Bản hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại, tài chính..., đã tham dự chương trình xúc tiến đầu tư tại TP. Đà Nẵng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: Các dự án FDI Nhật Bản tại Việt Nam đều là những dự án có chất lượng, công nghệ cao. Các DN Nhật Bản làm ăn hiệu quả và tuân thủ tốt chính sách, pháp luật của Việt Nam.
Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư
Kết quả khảo sát về thực trạng sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố mới đây cho thấy, dù chưa hoàn toàn “hài lòng” về môi trường đầu tư Việt Nam, song Việt Nam vẫn nằm trong số ít thị trường hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản tại khu vực ASEAN. Theo đó, 64% DN Nhật Bản đã đầu tư tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh và coi đây là điểm đầu tư quan trọng. Trong số đó, 85% DN khẳng định lý do mở rộng sản xuất, kinh doanh là tăng doanh thu.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và các Tham tán thương mại diễn ra cuối tháng 2/2016, ông Nguyễn Chí Dũng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, với lợi thế về cơ cấu dân số vàng, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những lợi thế này không phải là mãi mãi, nhất là trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực tạo ra những lợi thế, cạnh tranh khốc liệt trong thu hút FDI. Điều này đòi hỏi, Việt Nam cần không ngừng cải thiện môi trường đầu tư thông qua tăng năng suất lao động, cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Ông Shimon Tokuyama - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách nuôi dưỡng nền công nghiệp thông qua việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Shimon Tokuyama - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam: Số DN Nhật Bản trở thành hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tính đến cuối năm 2015 tăng gấp 2 lần so với thời điểm 2008 và đang có xu hướng tiếp tục tăng. |