Tại buổi Toạ đàm: “Chống hàng giả, cần sự quyết liệt của nhiều ngành” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/4, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lí thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương cho biết, năm 2014, lực lượng QLTT đã xử lý trên 17.000 vụ/21.000 vụ hàng giả các loại, số tiền xử phạt trên 57 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 53 tỷ đồng. Các nhóm hàng giả xuất hiện liên quan nhiều đến rượu, nước giải khát, mỹ phẩm và các loại vải quần áo... Hàng giả đang ở mọi lĩnh vực, mọi sản phẩm trên thị trường, đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389: Năm 2014, cả nước bắt giữ và xử lý gần 230.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, 22.000 vụ vi phạm hàng giả. Tính chất và quy mô khác hơn nhiều những năm trước đây, có những vụ cơ quan QLTT phát hiện hàng chục tấn hàng giả mạo đủ các thể loại. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, kết quả xử lý hàng gian, giả chưa tương xứng với thực tế vấn nạn trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến hàng giả được bày bán tràn lan tại các trung tâm thành phố lớn, cũng như lưu thông trên thị trường là do việc ngăn chặn, xử lý của lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả chưa phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam và lực lượng chức năng…
“Một số vụ chưa xử lý hình sự chủ yếu là vướng mắc về luật pháp, khái niệm về “hàng giả” cho đến “hàng nhái” có nhiều văn bản khác nhau nên việc hiểu chung nhất về các loại mặt hàng này giữa các cơ quan thực thị như: cảnh sát, tòa án, tư pháp đều không thống nhất. Để xác định hàng giả, các cơ quan này phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý nhưng luật chưa quy định đầy đủ, đó là khó khăn” – ông Cẩn cho biết thêm.
Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam cũng phản ánh: Hàng giả tồn tại, trước hết do sự yếu kém của cơ quan chức năng, các cấp, ban ngành chưa thực sự vào cuộc quyết liệt; Doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa thực sự phối hợp được với lực lượng chức năng để đấu tranh triệt để đối với tình trạng này; Chế tài xử lý chưa đồng bộ, giải thích khó khăn - Đó là những căn nguyên chính khiến chống hàng giả tại Việt Nam hiện rất rời rạc, dù chúng ta có lực lượng đủ mọi cấp.
Theo ông Trần Đức Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an: So với các nước trong khu vực, con số các vụ phát hiện và xử lý hàng giả của chúng ta tương đương nhưng số vụ việc được phát hiện và xử lý vẫn chưa phản ánh được sự thiệt hại của người tiêu dùng, số người tiêu dùng mua phải hàng giả còn lớn hơn nhiều lần. Người tiêu dùng Việt Nam đa phần mua hàng không có hóa đơn chứng từ nên khi khiếu nại đến cơ quan chức năng thì không thể xử lý được.
Theo ông Lê Thế Bảo, muốn đấu tranh chống hàng giả thì vai trò DN quan trọng nhất, không ai hiểu hàng giả nhiều hơn DN. Họ hiểu đường đi nước bước của hàng giả. Hàng giả được sản xuất như thế nào, nhập khẩu từ đâu? Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều DN sợ đối mặt và chống lại hàng giả vì nghĩ, nếu người tiêu dùng biết sản phẩm của mình được làm giả uy tín thương hiệu mình sẽ giảm. Nhiều DN chọn cách tiêu cực “sống chung” với hàng giả.
Ông Nguyễn Văn Cẩn đưa ra khuyến nghị: Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, lực lượng chức năng các địa phương đóng vai trò quan trọng. Trong đó, ở các tuyến biên giới, lực lượng biên phòng, hải quan và cảnh sát biển giữ vai trò trọng yếu; trong nội địa, lực lượng QLTT, cảnh sát và thuế phải tiên phong. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến này, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, an toàn.