Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) |
Nội dung chính của Thỏa thuận Paris
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thỏa thuận Paris được thông qua tại COP21 đã đưa ra được nhiều nội dung quan trọng như đặt ra mức tăng nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C. Bên cạnh đó, Thỏa thuận Paris còn đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát, theo đó từ năm 2023, cứ 5 năm/lần Liên hợp quốc sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu (BĐKH) của các nước. Việc đánh giá này sẽ giúp các nước có thêm thông tin để cập nhật và tăng cường các cam kết của họ.
Những quốc gia phát triển sẽ cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ phát thải. Mức đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2020 tiếp tục được khẳng định lại, nhưng quan trọng là Thỏa thuận Paris xem con số 100 tỷ USD này không đủ và đang kêu gọi tăng thêm. Đến năm 2025 sẽ lại đưa ra được một con số cụ thể khác về đóng góp tài chính.
Đối với Việt Nam, một trong những quốc gia bị tổn thương nhất do BĐKH, theo đánh giá ban đầu, Thoả thuận đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với BĐKH.
Đóng góp tích cực của Việt Nam tại COP 21
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về BĐKH cho biết, tại COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết "Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016- 2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”.
Cùng với những cam kết mạnh mẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị COP21, Việt Nam đã tổ chức thành công phiên đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của BĐKH tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Đồng thời tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề với nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức các hội thảo, cuộc họp song phương, trưng bày triển lãm hình ảnh ấn phẩm về thành tựu ứng phó với BĐKH, về đất nước con người Việt Nam. Ước tính, có khoảng hơn 500 đại biểu đã tham gia các hội thảo, trên 2.000 lượt đại biểu tham quan, gặp gỡ tại khu triển lãm của Việt Nam.
Sự tham gia tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH tại Hội nghị COP 21 đã được nhiều quốc gia chia sẻ và đánh giá cao, qua đó đóng góp thiết thực cho thành công của Hội nghị lịch sử này.
Thỏa thuận khí hậu vừa đạt được tại Hội nghị COP 21 là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất. Bản Thỏa thuận Paris sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020. Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày sau khi ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phê chuẩn.
Hội nghị COP21 diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 12/12 với sự tham gia của hơn 36.000 đại biểu, 23.100 đại biểu các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và 3.700 đại biểu từ các cơ quan thông tấn báo chí. Sau hai tuần đàm phán căng thẳng, vào lúc 19h28 (giờ Paris) ngày 12/12, đại diện 195 nước tham dự hội nghị COP21 đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris. |