Việt Nam - Trọng tâm chiến lược mới
Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á phát biểu và trả lời tại Diễn đàn Kinh doanh Marốc - châu Á
- Kim ngạch thương mại thấp, giao thương chưa nhiều, song Việt Nam được Marốc xếp vào những quốc gia đối tác chiến lược hướng đến khu vực. Diễn đàn Kinh doanh Marốc - châu Á, diễn ra tại Rabat - Thủ đô Vương quốc Marốc trong hai ngày 15-16/3 đã “bắt nhịp” chiến lược tăng cường quan hệ với châu Á của Marốc, góp phần đưa Marốc trở thành điểm nối trong dòng chảy thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng giữa châu Á và châu Phi.
Việt Nam, 1 trong 2 quốc gia trọng điểm
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia châu Á được Marốc mời tham dự và có tham luận tại Diễn đàn. Đoàn Việt Nam cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp (DN) để thảo luận hướng hợp tác, cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Tham luận với chủ đề “Quan hệ Việt Nam- Marốc: Quá khứ, hiện tại, tương lai” do đại diện Đoàn Việt Nam, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) trình bày, đã đề xuất những định hướng, giải pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam- Marốc.
Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Marốc- Saad Eddine El Otmani -cho rằng, Việt Nam và Indonesia là 2 quốc gia trọng điểm ASEAN trong chiến lược hướng đến châu Á của Marốc. Bộ trưởng Saad Eddine El Otmani lên kế hoạch đến Việt Nam sớm nhất để thúc đẩy quan hệ song phương.
Ông Mohamed Khalid Alami - Giám đốc Thương mại Tập đoàn Novec, đánh giá, tiềm năng giữa Việt Nam và Marốc rất lớn, nhưng để hiện thực hóa cần nâng cấp quan hệ. Quan tâm tới Việt Nam không chỉ từ giới chính trị, DN Marốc cũng nhìn nhận Việt Nam như một đối tác tin cậy để phát triển nhiều ngành công nghiệp tại Marốc mà Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh như: dệt may, da giày, thủy hải sản.
Ông Mohamed Bonami - Tổng giám đốc Công ty Bonicaf, nói: “Uy tín và năng lực hàng đầu thế giới của Việt Nam trong một số ngành hàng là mối quan tâm và đích ngắm của chúng tôi nhằm thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ”. Ông Mohamed Bonami có kế hoạch tới Việt Nam tìm đối tác hợp tác về chế biến nông sản và thực phẩm.
Tín hiệu tích cực
Marốc đang chú trọng phát triển quan hệ với Việt Nam. Ông Cao Xuân Thấn - Đại sứ Việt Nam tại Marốc, đánh giá: “Trong các cuộc tiếp xúc với nhiều bộ trưởng Marốc, chủ đề chính đặt ra là làm thế nào hiện thực hóa quan hệ với Việt Nam ở tầm vóc mới, đặc biệt là quan hệ kinh tế”.
Trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương về phát triển quan hệ với châu Phi giai đoạn 2008 - 2010, Marốc được xếp vào 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam tại châu Phi. Hiện tại, quan hệ thương mại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2011, kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương mới đạt 45,26 triệu USD, tăng 42%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 40,39 triệu USD và nhập 4,87 triệu USD. Thương mại hai nước có tính bổ sung cho nhau. Marốc có lợi thế về phốt phát, phân bón, tân dược, sữa, nguyên phụ liệu da giày... song cũng cần nhập khẩu cà phê, hạt tiêu, điều, chè, cao su, cơm dừa, thủy sản... của Việt Nam. Tuy nhiên, trở ngại đối với thương mại Việt Nam - Marốc là giữa hai bên còn ít cơ hội giao thương, rào cản ngôn ngữ (DN Marốc sử dụng tiếng Pháp, còn DN Việt Nam sử dụng tiếng Anh), khoảng cách địa lý (cước vận chuyển hàng hóa cao), giao dịch chủ yếu qua trung gian… Ông Mounia Tazi- Giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh và truyền thông 2M, nhận định: “Thông tin là một trong những chìa khóa để khơi luồng giao thương giữa hai nước. Thực tế, đa số DN Marốc chưa biết về Việt Nam, hoặc nếu biết thì thông tin cũng chưa chính xác”.
Nhu cầu tìm hiểu cơ hội kinh doanh với Việt Nam có thể thấy rất rõ qua số lượng khách tham quan gian hàng Việt Nam tại diễn đàn. Theo ông Lý Quốc Hùng: “Tăng cường trao đổi thông tin và gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại, cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý là những giải pháp cơ bản để nâng cao quan hệ đối tác, mở rộng cơ hội kinh doanh cho DN”.
Doanh Chính Email từ Rabat