Dự án tập trung hỗ trợ nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng từ thảm họa thiên nhiên nhằm bảo vệ khỏi tác động của bão lụt, hạn hán. Dự án được kéo dài trong 3 năm nhằm “Cải thiện khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển Việt Nam khỏi những tác động của biến đổi khí hậu”. Đây là hoạt động hợp tác giữa Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và các bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và 7 tỉnh ven biển. Theo đó, các hoạt động của dự án sẽ bao gồm xây nhà an toàn để bảo vệ người dân khỏi lũ lụt, thiên tai, giúp các địa phương ven biển nâng cao khả năng ứng phó rủi ro. Dự án sẽ được khởi động từ tháng 8 và triển khai ở các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Cà Mau và Nam Định. Khoảng 40.000 người nghèo ở các vùng dễ bị thiên tai sẽ được hưởng lợi khi các tính năng thiết kế chống bão và lũ lụt được bổ sung cho 4.000 ngôi nhà mới ở các tỉnh. Khoảng 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển sẽ được tái sinh để hình thành vùng đệm chống lại các cơn bão. Hy vọng rằng các khu vực công và tư có thể tiếp cận nhiều dữ liệu hơn về thiệt hại và tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra ở 28 tỉnh ven biển của Việt Nam.
Dự án tập trung hỗ trợ nhóm cộng đồng chịu ảnh hưởng từ thảm họa thiên nhiên, nhằm bảo vệ khỏi tác động của bão lụt |
Phát biểu tại lễ công bố dự án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, nhu cầu đầu tư để hỗ trợ việc giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu và phát triển môi trường cacbon thấp là yêu cầu cấp bách hiện nay vì Việt Nam là một trong 30 nước có nguy cơ cao bị tác động của biến đổi khí hậu. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Khí hậu xanh là bước đầu tiên trong chiến lược hợp tác dài hạn giữa Chính phủ và Quỹ này. Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc và đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết UNDP đã làm việc với Chính phủ Việt Nam về các sáng kiến xây dựng khả năng ứng phó với khí hậu khắc nghiệt của người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ và nhóm dân tộc thiểu số. UNDP mong muốn đổi mới và chuyển đổi để gia tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là khu vực tư nhân.
Quỹ Khí hậu xanh được thành lập năm 2010 theo Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP) tại Mexico, hướng tới mục tiêu phân bổ các nguồn lực để giảm phát thải và đầu tư để ứng phó với khí hậu tại các nước đang phát triển. Cho đến nay, GCF đã nhận được cam kết 10,3 tỷ USD trong đó 6,7 tỷ USD đã được huy động.