CôngThương - Nhạy bén để nắm bắt lợi ích từ ACE
Trong vòng 1 thập kỷ qua, kim ngạch thương mại Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên đến gần 40 tỷ USD vào năm 2013. Những năm gần đây, ASEAN liên tục trong nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, như năm 2013, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam chỉ sau Mỹ và EU, với kim ngạch 18,47 tỷ USD; quý I/2014, ASEAN tiếp tục duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,7 tỷ USD…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN thời gian gần đây có chiều hướng chậm lại, mà một trong những lý do là các ưu thế về xuất khẩu với khối thị trường truyền thống có vị trí địa lý gần gũi này, đơn cử như các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chưa được tận dụng tối đa. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2014 - 2015 là giai đoạn nước rút của ASEAN để tiến đến mục tiêu xây dựng AEC, được kỳ vọng ra đời vào cuối năm 2015. ASEAN đang đứng trước triển vọng tăng cường hơn nữa vị thế của mình, trở thành khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp (DN) cần hết sức linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng dự kiến từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế với không chỉ khối ASEAN mà còn với các thị trường khác, trong đó có các thị trường ASEAN đã ký các hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand…
Cơ hội mở rộng giao thương với Trung Quốc
Trong khuôn khổ VietNamExpo2014 đã diễn ra “Hội thảo kết nối DN Việt Nam - Trung Quốc” với hơn 200 DN của hai nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản phẩm bảo hộ lao động, máy móc ngành điện, dệt may, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hóa chất, nông sản, công nghệ xử lý nước thải, bất động sản… tham gia. Tại đây, các DN đã trực tiếp trao đổi, gặp gỡ nhằm tìm kiếm thông tin, mở rộng thị trường tại Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Đánh giá về tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam đối với DN Trung Quốc, ông Sư Hữu Hà - cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu kinh tế thông tin liên doanh Bắc Kinh - cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc đã có mối quan hệ hợp tác thương mại sâu rộng, DN Trung Quốc có nhu cầu lớn muốn hợp tác, đầu tư tại Việt Nam về xây dựng công trình, công nghệ, thiết bị cơ khí, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ… Minh chứng cho nhu cầu này, tại buổi giao thương giữa DN hai nước, nhiều DN Trung Quốc tỏ ra rất lạc quan về triển vọng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Đối với DN Việt Nam, Trung Quốc cũng là thị trường mục tiêu mà họ hướng đến và thị trường này đang mở ra nhiều cơ hội… Việt Nam và Trung Quốc đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 60 tỷ USD vào năm 2015 và giảm nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc. Những năm qua, dù kinh tế thế giới vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 30%/năm. Đây là minh chứng rõ nét của tiềm năng cũng như sự gắn kết và tính bổ sung lẫn nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.