Vinataba- Những cơ hội không bị bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trao Chứng nhận Thương hiệu quốc gia cho lãnh đạo tổng công ty |
Có lẽ không chỉ tôi mà tất cả những ai từng gặp ông Thụy đều bị thu hút bởi phong cách niềm nở đến độ xởi lởi và phong thái thiện chí dễ dẫn dụ ta vào những câu chuyện mang đầy tính tâm sự về mình, về người, về nhân tình thế thái. Ở tuổi xưa nay hiếm rồi nhưng ông vẫn giữ sự nhiệt tình trong lời nói và cử chỉ. Và một điều đặc biệt là, dù bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ, rất chi tiết các câu chuyện liên quan đến sự nghiệp chính của đời mình, đến Vinataba và những gập ghềnh chìm nổi dẫn tới hình thành thương hiệu lớn nhất của công nghiệp thuốc lá Việt Nam này…
Lê Đình Thụy sinh ra bên dòng sông Hương, tập kết ra Bắc sau năm 1954. Tuổi trẻ của ông đã trôi qua trên đất Bắc. Theo học ngành thực phẩm, ông về làm ở Cục Công nghiệp nhẹ thuộc Bộ Công nghiệp. Tới năm 1965, ông được chọn đi tu nghiệp ở Cộng hòa dân chủ Đức theo đúng chuyên ngành quen thộc cùa mình. Năm 1970, về nước, ông Lê Đình Thụy được phân công về Trung tâm Nghiên cứu thuốc lá, Bộ Lương thực thực phẩm. Như một lẽ tự nhiên, sau tháng 4/1975, ông đã vào TP.Hồ Chí Minh với nhiệm vụ tiếp quản công tác sản xuất thuốc lá ở miền đất mới này, làm Giám đốc Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội. Bằng năng lực chuyên môn, cuối những năm 70 của thế kỷ trước, ông về nhận nhiệm vụ làm Phó giám đốc Xí nghiệp Liên hợp thuốc lá miền Nam ở thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp này. Và chính ở bĩ cực đó, Lê Đình Thụy đã trở thành người tham gia và góp động lực tạo nên bước ngoặt lớn trong sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp.
Đổi cơ chế là đổi vận
Khi ấy, cũng như nhiều cơ sở công nghiệp khác của chúng ta, Xí nghiệp Liên hợp thuốc lá miền Nam (còn gọi Xí nghiệp Liên hợp thuốc lá II) đang ở trong tình thế gần như bế tắc. Khó khăn về nguyên phụ liệu và điện cho sản xuất đã khiến cho sản lượng của xí nghiệp tụt dốc không phanh. Nếu năm 1976, sản lượng của xí nghiệp còn đạt 100% thì tới năm 1977 giảm xuống trên 98% và đến năm 1979 chỉ còn 60%...
Trước tình hình khó khăn chung lúc bấy giờ, vào tháng 12/1979, Trung ương đã họp để nghe các đơn vị sản xuất chính của thành phố báo cáo, tìm hướng giải quyết ngay những cản trở, đưa nền kinh tế nhanh chóng phát triển, tránh khỏi bế tắc. Với Xí nghiệp Liên hợp thuốc lá miền Nam, kế hoạch năm 1980 được giao là 150 triệu bao thuốc, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn chung, đến cuối tháng 11 năm đó, toàn xí nghiệp mới chỉ sản xuất được 89.121.719 bao, tương đương 59,33% kế hoạch năm.
Tình cảnh này đã khiến ngay cả những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước và TP.Hồ Chí Minh lúc đó phải lưu tâm và cùng ra tay tháo gỡ khó khăn. Cuối tháng 11/1980, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, người rất gắn bó với thành phố mang tên Bác, dù đã ra Hà Nội làm việc với cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam nhưng vẫn xuống tận xí nghiệp để tìm hiểu tình hình thực tế. Buổi làm việc dự định chỉ diễn ra một hai giờ nhưng đã kéo dài hết cả ngày. Và chỉ hai ngày sau đó, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt cũng xuống xí nghiệp để tiếp tục tìm hướng giải quyết cho bài toán phát triển vô cùng nan giải. “Nếu thành phố bảo đảm cung cấp đầy đủ các yêu cầu, xí nghiệp sẽ tổ chức sản xuất như thế nào để có thể hoàn thành 40% kế hoạch năm chỉ trong vòng một tháng?”- đồng chí Võ Văn Kiệt đã đặt ra đề bài mới với sự hậu thuẫn mới cho xí nghiệp
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn |
Ông Lê Đình Thụy nhớ lại: Thực ra cái khó lớn nhất của xí nghiệp lúc đó không hẳn là những thiếu thốn vật chất mà chính ở bộ máy điều hành sản xuất quá cồng kềnh và thực trạng đời sống công nhân quá khó khăn, khó có thể tái tạo sức lao động và dốc hết tâm sức cho xí nghiệp… Vì vậy, phải tháo gỡ được những trở ngại to lớn đó thì mới mong tạo nên sức bật cho sản xuất…
Trước đề bài của lãnh đạo cao nhất thành phố, lãnh đạo xí nghiệp cam kết sẽ thay đổi cơ chế điều hành hiện tại và giải quyết lợi ích của người lao động một cách cân đối hơn thì chắc chắn, với một ngày chuẩn bị, xí nghiệp sẽ hoàn thành 40% kế hoạch năm trong tháng 12…
Quả thực, khi bắt được đúng bệnh thì bệnh gì cũng có thể chữa khỏi. Sau khi nhận rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp, xí nghiệp đã thực sự thay đổi hẳn phong độ. Ngày 30/11/1980, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch “hoàn thành 40% kế hoạch năm trong tháng 12” được khẩn trương tiến hành. Tinh thần thông suốt, ý thức rằng mình thực sự được làm chủ xí nghiệp, làm chủ công việc, làm chủ tương lai, đã tạo nên một hào khí làm việc mới, khiến tất cả từ trên xuống dưới đều hăng say thực thi phận sự của mình. Chính sự chuyển động của guồng máy sản xuất này đã kéo theo cả một hệ thống các guồng máy khác vận hành và chạy rất trơn tru, đó là Nhà máy giấy Tân Mai, Nhà máy in Tổng hợp, Nhà máy điện... Mọi khúc mắc, trở ngại đều được xử lý kịp thời ngay tại chỗ. Những thành tích lao động liên tục được cập nhật và truyền tin theo mạng nội bộ, tạo thêm niềm tin và hứng khởi cho toàn thể cán bộ, công nhân viên xí nghiệp, động viên, khích lệ và hâm nóng thêm bầu nhiệt huyết, lửa nhiệt tình trong tập thể.
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất, tinh thần làm chủ còn được phát huy triệt để qua việc đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nhà máy tổ chức khắc phục, sửa chữa các máy móc cũ bị hư hỏng, góp phần tăng năng suất lao động một cách đáng kể. Ông Lê Đình Thụy tới hôm nay vẫn còn tâm đắc với nhận định, một khi các rào cản hành chính, nhân tạo không còn nữa thì tất cả các công nhân như đàn chim được dịp sổ lồng, sẽ nhiệt tình cống hiến, nhiệt tình lao động với tâm huyết vì ai cũng hiểu rằng, thành tích đạt được sẽ không chỉ đơn giản là đạt mục tiêu đề ra, mà còn mở ra một tương lai mới, tươi sáng hơn cho toàn xí nghiệp với cuộc sống của mỗi cán bộ, công nhân viên.
Và điều mọi người mong đợi đã đến, đúng 16 giờ ngày 30/12/1980, xí nghiệp đạt 31.460.700 bao thuốc, hoàn thành kế hoạch đã định trước 1 ngày. Đó thực sự là một điều kỳ diệu, chứng tỏ rằng, nếu biết cách tháo gỡ đúng cái nút mắc mớ nhất thì bất cứ một bộ máy nào cũng có thể tăng công suất lên gấp rất nhiều lần… Xí nghiệp đã giải quyết được vấn đề cố hữu của cơ chế bao cấp, đó là tính cào bằng (làm nhiều cũng như làm ít), cân đối được lợi ích của người lao động với lợi ích nhà nước, thực hiện trả lương theo sản phẩm...
Ông Lê Đình Thụy thăm Viện nghiên cứu thuốc lá |
Định vị thương hiệu
Đầu tháng 4/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 108/NĐ-HĐBT về việc thành lập Liên hiệp các xí nghiệp thuốc lá Việt Nam (tiền thân của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam hôm nay). Ông Thụy trở thành người lãnh đạo đầu tiên của tổ chức thống nhất này với một trọng trách rất nặng nề của người đi “khai sơn phá thạch” trong tình hình mới.
Ở thời điểm đó, các cơ sở sản xuất thuốc lá thuộc Liên hiệp các xí nghiệp thuốc lá Việt Nam đều chỉ có những máy móc thiết bị rất cũ kỹ và lạc hậu. Trên cương vị mới của mình, điều làm ông Thụy trăn trở nhất là làm sao để đổi mới trang thiết bị và có sản phẩm của mình sánh vai, thậm chí vượt lên những mặt hàng ngoại nhập đang nhập lậu tràn lan.
Xin được cơ chế tự chủ về cân đối ngoại tệ bằng việc xuất khẩu thuốc lá tại chỗ thu ngoại tệ từ các đơn vị du lịch và dịch vụ trong nước, liên hiệp đã chủ động đổi mới các dây chuyền thiết bị, bắt đầu từ máy vấn điếu, đóng bao, sau đến việc đổi mới thiết bị chế biến sợi. Ông Thụy suy nghĩ: “Nhà khó thì phải đầu tư cho thằng anh trước, nó lớn sẽ kéo các thằng em trưởng thành theo, không thể đầu tư dàn trải, vì tán lực như thế sẽ không thể tạo nên đà phát triển cần thiết được”. Tư duy đó đã không dễ dàng được sự ủng hộ ngay trong ban lãnh đạo vốn còn có người quen suy nghĩ theo nếp cũ quen thuộc. Thế nhưng, thực tế từ sự thành công của doanh nghiệp cuối những năm 80 đã chứng minh tính đúng đắn của tư duy Lê Đình Thụy...
Đặt ra mục tiêu phải làm thế nào cho ra đời một sản phẩm thật đặc biệt để chiếm lĩnh thị truờng và chiếm được tình yêu của người tiêu dùng vốn đã quen với hương vị thuốc lá ngoại cao cấp nhập lậu… Thậm chí, ban lãnh đạo khi đó còn tính xa hơn nữa, làm thế nào để phát triển loại thuốc lá này thành thương hiệu chủ lực của doanh nghiệp trong tương lai, có sức lan tỏa cả ra nước ngoài.
Nhắc lại hành trình làm nên thương hiệu Vinataba, ông Thụy có thể tự hào với những thành quả của mình, những học trò bên ông thủa khó khăn ban đầu đều đã trưởng thành trong vai trò lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá hiện nay để nối tiếp sự nghiệp của ông. |
Những bao thuốc đầu tiên sản xuất từ sợi VT (hợp tác BAT Singapore) ra đời và được lấy tên là “Super”, với thiết kế vỏ trắng, chữ đỏ trông khá sang trọng, tương đối đột phá về mặt hình thức so với các sản phẩm thuốc lá truyền thống đã có trước đó của Việt Nam như: Sài Gòn, Thăng Long, Thủ Đô, Điện Biên, Tam Đảo, Sông Cầu… Những tưởng rằng sản phẩm đầy màu sắc quốc tế này có thể thu hút được không ít những tiêu dùng mang tâm lý sính ngoại trên đất Việt, thế nhưng, trong thực tế, những bao thuốc “Super” lại không được thị trường nội địa phản hồi tích cực. Sau khi xuất xưởng được vài chục nghìn bao, ban lãnh đạo buộc phải tính đến phương án thay thế thương hiệu. Hóa ra chất lượng ngoại mà không có một hình thức hợp với gu nội thì cũng không hẳn đã có thị trường. Phát hiện ra điều này, ông Thụy cùng các đồng nghiệp lại bắt tay vào một quy trình mới để tìm ra một logo và tên gọi hợp với tâm lý Việt. Lao tâm khổ tứ rất nhiều, rốt cuộc đã tìm ra được diện mạo mới cho logo thuốc lá của mình: Hình ảnh ông Thụy đã tìm tới được logo này từ hình tượng một người đàn ông ngậm tẩu hút thuốc. Rất bất ngờ và độc đáo!
Có logo rồi, ông Thụy lại phải mầy mò cùng các đồng sự suy tính cách tìm ra tên gọi cho sản phẩm chất lượng quốc tế của mình. Mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng nhiều tên gọi khác nhau đã được thử đều không mang lại cảm giác thỏa mãn chung. Cuối cùng, ông Thụy mới nhận ra rằng, có lẽ tên gọi hợp nhất cho sản phẩm thuốc lá chủ đạo của mình chính là cái tên giao dịch đối ngoại của công ty là Vinataba. Đây thực sự là một quyết định táo bạo, thậm chí có phần mạo hiểm, bởi lẽ, nếu sản phẩm mới thất bại thì không chỉ nó “chết” mà còn chôn vùi luôn cả thương hiệu tổng công ty…
Bước tiếp theo, ông Thụy và cộng sự lại lao tâm khổ tứ để tìm ra màu sắc cho vỏ bao thuốc. Bốn chữ Vinataba được thiết kế riêng với phong cách vừa chặt chẽ về bố cục, vừa mềm mại về dáng điệu mà không dễ gì tìm thấy trong các kiểu chữ thịnh hành lúc đó…
Trong đời người, nắm bắt được một cơ hội đôi khi cũng là điều mơ ước không bao giờ đạt được. Với ông Lê Đình Thụy, những cơ hội lớn làm nên thương hiệu Vinataba hiện nay đều đã không bị bỏ qua… |
Những bao thuốc lá Vinataba ngay từ khi mới được tung ra thị trường đã trở thành mặt hàng hot. Và chỉ trong một thời gian rất ngắn, nó đã chiếm lĩnh tình yêu của người tiêu dùng khắp cả nước, đủ sức cạnh tranh với các nhãn thuốc lá cao cấp khác và đặc biệt góp phần đẩy lùi thuốc lá ngoại nhập lậu… Hiện nay, Vinataba đã chiếm một thị phần rất cao trong nước và có mặt cả ở nhiều thị trường nước ngoài. Sản phẩm mới dần dà đã trở thành mặt hàng chủ lực của tổng công ty và có giai đoạn đóng góp tới 50% tổng mức nộp ngân sách của toàn tổ hợp…
Con đường đi lên đỉnh cao của Vinataba không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đã có không ít những thăng trầm trong sự phát triển và lan tỏa. Và chính những thách thức đó đã giúp cho lãnh đạo Vinataba áp đặt được nguyên tắc nhất quán trong sản xuất và phân phối sản phẩm trong toàn tổng công ty. Nhà máy nào có đủ điều kiện vật chất đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất mới được sản xuất sản phẩm Vinataba. Tổng công ty quyết định đầu tư thiết bị hiện đại cho các đơn vị để bảo đảm sản phẩm Vinataba phải có chất lượng đồng nhất. Chất lượng sản phẩm được quản lý chặt chẽ từ vật tư, nguyên liệu đầu vào, đến quy trình sản xuất, với sự giám sát chặt chẽ của một ban chuyên môn và tập trung về một đầu mối tiêu thụ. Từ năm 1998, đầu mối đó là Công ty Xuất nhập khẩu thuốc lá, sau đó chuyển giao về cho Công ty Thương mại thuốc lá từ năm 2000 đến nay…
Chia tay ông, tôi còn nhớ mãi lời ông nhắn nhủ: “Các thế hệ tương lai của tổng công ty hiểu rõ giá trị và phải biết cách để phát triển thương hiệu Vinataba như một niềm tự hào”.