Nhà báo tạo nên "cây cầu" kết nối thông tin giúp người dân hiểu đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước “Thời gian và nhân chứng”- bộ sách tôn vinh các nhà báo tiêu biểu của báo chí cách mạng |
“Tổng biên tập có tuổi đời lớn nhất và thời gian giữ chức nhiều nhất”, “Nhà báo có tuổi nghề dài nhất”, “Người viết báo bền bỉ nhất”, “Tổng biên tập U100”… là những cụm từ mà nhiều đồng nghiệp của tôi ở đã dành cho Giáo sư Đào Nguyên Cát khi nghe tin ông vừa vễ cõi vĩnh hằng…
Tôi có may mắn là người đồng hương cùng làng của Giáo sư Đào Nguyên Cát. Cách đây 30 năm, khi tôi mới chập chững bước vào nghề báo thì ông đã là “cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng Việt Nam” và là Tổng biên tập của tờ báo hàng đầu chuyên về kinh tế thời ấy - Thời Báo Kinh tế Việt Nam.
Giáo sư Đào Nguyên Cát |
Mỗi lần gửi bài cho bác Tổng biên tập, tôi vừa mừng, vừa sợ. Mừng vì sẽ được bác trực tiếp biên tập, uốn nắn, bài được đăng báo, được trả nhuận bút cao (hồi ấy nhuận bút của Thời Báo Kinh tế Việt Nam luôn ở tốp cao nhất trong làng báo). Nhưng tôi cũng rất sợ vì chắc chắn sẽ được nghe những lời răn dạy nghiêm khắc như người cha. Có lần bác trả lời thẳng thắn: “Bài này không được đăng” khi tôi không trả lời được nghĩa của một từ chuyên ngành kinh tế trong bản thảo tôi gửi. Bác căn dặn: “Làm nghề báo phải chịu khó học, chỉ đưa vào bài viết những từ đã hiểu. Nếu không hiểu thì đừng có viết”…
Giáo sư Đào Nguyên Cát sinh ra và lớn lên trong dòng họ Đào nổi tiếng hiếu học ở làng Cổ Am (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Làng Cổ Am từng sinh ra nhiều nhân vật lẫy lừng, hoạt động trong các ngành văn hóa, khoa học của đất nước với câu ca “Xứ Đông có Cổ Am, xứ Nam có Hành Thiện”. Làng Hành Thiện là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Giáo sư Đào Nguyên Cát kể với tôi rằng, ông bắt đầu làm nghề báo từ những năm 50 của thế kỷ trước khi làm thư ký báo chí cho đồng chí Trường Chinh ở Chiến khu Việt Bắc. Sau đó ông được cử đi học lý luận chính trị ở Trung Quốc và Liên Xô. Về nước nhiều năm làm Tổng biên tập Tạp chí Tuyên huấn thuộc Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo) Trung ương. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ như Pháp, Trung, Nga…
Giáo sư Đào Nguyên Cát |
Thế nhưng dấu ấn đặc biệt nhất trong cuộc đời làm báo của Giáo sư Đào Nguyên Cát lại bắt đầu ở tuổi nghỉ hưu. Khi đã ngoài 60 tuổi và nhận quyết định nghỉ hưu ở Ban Tuyên huấn Trung ương, Giáo sư Đào Nguyên Cát lại "khởi nghiệp" với "nghề" Tổng biên tập Thời Báo Kinh tế Việt Nam từ năm 1991, do Hội Khoa học kinh tế Việt Nam thành lập.
Ông đảm nhận chức danh này đến năm 2020 khi tờ báo này chuyển thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Chưa có dịp tham khảo hết các cơ quan báo chí trên thế giới, nhưng chắc chắn, ở Việt Nam, ông là tổng biên tập báo có tuổi đời cao nhất (93 tuổi) và có thời gian giữ chức tổng biên tập dài nhất (29 năm) ở một tờ báo.
Giáo sư Đào Nguyên Cát kể rằng ngày ấy ông nhận chức Tổng biên tập, nhưng là “Tổng biên tập 3 không”: Không tiền, không tòa soạn, không bộ máy. Trong khi để đăng ký giấy phép xuất bản thì điều tối thiểu phải có nơi ghi địa chỉ tòa soạn. Thấy ông làm Tổng biên tập kiểu “tay không bắt giặc” như vậy, ông Lê Tiến, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại, đồng ý cho báo đăng ký địa chỉ tòa soạn tại Trung tâm Thông tin Thương mại ở số 46 phố Ngô Quyền; nhưng chỉ là cho nhờ trên giấy tờ để đủ điều kiện xin cấp phép thôi chứ không được dùng làm nơi làm việc. Không có tiền thuê trụ sở, cuối cùng ông đưa tòa soạn về… nhà riêng ở số 8 phố Lý Thường Kiệt.
Do tòa soạn đặt tại nhà nên vợ ông trở thành người trực điện thoại, thu báo “kiêm” nhân viên tạp vụ. Hai người con trai làm thư ký; con rể phụ trách trị sự; con dâu trưởng là nhân viên hành chính ở Thông tấn xã Việt Nam cũng được trưng dụng vừa làm kế toán, thủ quỹ kiêm nhân viên đánh máy. Vì là người nhà nên tất cả mọi người đều không có lương...
Ấy vậy mà dưới sự dẫn dắt của “thuyền trưởng” Đào Nguyên Cát, Thời Báo Kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, trở thành một trong những tờ báo chuyên về kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Xin vĩnh biệt “Nhà báo có nhiều cái nhất” trong làng báo Việt Nam.