CôngThương - Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - Nguyễn Văn Tuấn đã bày tỏ niềm tin vào sự phát triển của ngành Du lịch nước ta sau khi có sự kiện đăng quang của vịnh Hạ Long.
Bốn bài học từ cuộc vận động bầu chọn
Trên cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, là thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về quảng bá và vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; ông rút ra những bài học từ “cuộc chơi” này?
- Theo tôi, có thể rút ra 4 bài học:
Thứ nhất, yếu tố tổ chức và chỉ đạo. Cần phải có sự chỉ đạo từ Chính phủ và phải có cơ quan làm nòng cốt. Trong cuộc bầu chọn này, nòng cốt là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, tiếp đó là Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục- Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan truyền thông… Tôi đặc biệt đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông (báo chí, truyền hình, phát thanh). Việc truyền được cảm hứng tới người dân ở mọi tầng lớp, nhất là tới lớp trẻ, tới người yêu Hạ Long, thể hiện trách nhiệm với Hạ Long bằng hành động bầu chon qua tin nhắn, qua internet… chính là thông qua các cơ quan truyền thông. Từ trước đến nay, chưa có chiến dịch nào, hoạt động nào được giới truyền thông tập trung làm hiệu quả như thế.
Thứ hai,chúng ta đã biết khơi dậy tình yêu quê hương đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều thấy tự hào và hạnh phúc nếu vịnh Hạ Long nằm trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Người dân Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều thấy tự hào về đất nước, về dân tộc của mình và mong muốn hình ảnh của con người đât nước Việt Nam được giới thiệu với bạn bè quốc tế thông qua hình ảnh nổi bật là kỳ quan vịnh Hạ Long.
Thứ ba, chúng ta cũng biết truyền cảm hứng tới bạn bè thế giới cùng chung tay góp sức, bởi vì đây là cuộc chơi của công chúng, nhưng không chỉ của người Việt Nam, mà cả của những người nước ngoài yêu Việt Nam, yêu Hạ Long.
Thứ tư, chúng ta có bước đi và sách lược phù hợp. Một cuộc chơi 4 năm đã giữ được nhịp liên tục không bị đứt đoạn, đến thời điểm quyết định lại đưa ra được các giải pháp phù hợp nhất để thu được kết quả bứt phá. Giai đoạn 3 tháng gần đây là một minh chứng cụ thể cho sự bứt phá này.
Như trên ông đã nói,thành công bởi có bước đi và sách lược phù hợp. Vậy trong hành trình 4 năm, thời điểm nào chúng ta đưa ra được “chiêu đắt” để, tạo bứt phá hữu hiệu nhất?
- Hình thức bầu chọn qua tin nhắn chính là bước đột phá. Trong khoảng hơn 1 tháng đầu tiên, cả nước mới chỉ có 11 triệu tin nhắn, nhưng trong 5 ngày nước rút cuối cùng, chúng ta đã có 19 triệu tin nhắn. Đặc biệt ngày cuối cùng (từ tối ngày ngày 10 đến trước thời điểm “đóng cửa” 11/11), chúng ta có thêm được 5 triệu tin nhắn bầu chọn.
Riêng ngành Du lịch đã hành động như thế nào trong suốt hành trình cuộc bầu chọn, thưa ông?
- Riêng với ngành Du lịch, chúng tôi liên tục kêu gọi các doanh nghiệp, các điểm du lịch tích cực vận động khách du lịch tham gia bầu chọn trong suốt hành trình 4 năm. Đặc biệt năm 2011, hành động của ngành du lịch rất tập trung và quyết liệt với thông điệp là mỗi một cán bộ viên chức, công nhân viên chức trong ngành 1 phiếu bầu và mỗi khách du lịch 1 phiếu bầu. Chúng tôi cho rằng, với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng, ngành Du lịch đã hành động với tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm của mình, để tham gia đóng góp một phần vào thắng lợi trong cuộc bầu chọn cho vịnh Hạ Long.
Ba nút gỡ cho “hậu” bầu chọn
Việc vịnh Hạ Long lọt vào Top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là một nấc quan trọng, nhưng không phải là cái đích cuối cùng. Chúng ta phải nghĩ đến việc làm thế nào để tôn vinh, bảo tồn, phát huy và khai thác được giá trị của vịnh Hạ Long.Ông suy nghĩ như thế nào về điều đó?
- Những người làm du lịch chúng tôi đã phải suy nghĩ, ấp ủ trăn trở rất nhiều. Phải nói rằng, vịnh Hạ Long đạt được danh hiệu này là điều ai cũng mong đợi, là cố gắng phi thường. Nhưng điều quan trọng hơn là phải giữ được, xứng đáng và tôn vinh khiến danh hiệu ấy trở thành thương hiệu du lịch của Việt Nam; để giới thiệu, quảng bá với thế giới với bạn bè và thu hút khách du lịch tới với Việt Nam. Thêm vào đó, chúng ta phải tạo ra hiệu quả kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng từ thương hiệu của kỳ quan vịnh Hạ Long.
Được biết, trước khi giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông đã từng giữ nhiều cương vị quản lý ở Quảng Ninh. Ông cũng là một trong những người “hiểu” vịnh Hạ Long nhất. Vậy theo ông, vịnh Hạ Long còn nút thắt nào phải gỡ?
- Đầu tiên là vấn đề bảo vệ môi trường. Với Hạ Long, trước đây vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và tính toàn vẹn của vịnh đã là một yêu cầu nghiêm ngặt thì bây giờ càng phải đề cao công việc này. Hạ Long đang chịu sức ép rất lớn từ phát triển công nghiệp, dịch vụ ở vùng ven bờ: than, điện, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, cảng. Vùng vịnh cũng chịu sức ép từ tốc độ gia tăng phát triển đô thị, gia tăng về dân số và những hệ lụy xung quanh việc lấn biển, mở rộng đô thị. Du lịch mang lại cơ hội cho Hạ Long, nhưng cũng là một sức ép. Nếu chúng ta không có các biện pháp và có tầm nhìn lâu dài trong lĩnh vực môi trường thì chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ mai sau. Đây là trách nhiệm, cần phải có những hành động rất cụ thể từ ý thức của những người lãnh đạo, những người có trách nhiệm đối với vịnh Hạ Long để đủ sức lan tỏa tới cộng đồng.
Thêm nữa, phải phát triển sản phẩm du lịch của Hạ Long, để làm tăng sức hấp dẫn, làm cho khách du lịch có nhiều trải nghiệm thú vị hơn và liên kết, kết nối Hạ Long với các sản phẩm du lịch ở xung quanh trong bán kính khoảng trên dưới 100 km, để từ đó lấy Hạ Long làm tâm điểm và xâu chuỗi với các điểm đến khác.
Nói về vấn đề phát triển sản phẩm du lịch, thì lâu nay ở Hạ Long đã có một bước tiến rất dài, tốc độ gia tăng khách du lịch vào loại cao nhất cả nước, kể cả khách nội địa và khách quốc tế. Nhưng cũng mới khai thác một cách đơn giản, khai thác một cách dựa vào những cái gì chúng ta đã có, chứ chưa biết tạo ra sản phẩm, phát triển sản phẩm ấn tượng, hấp dẫn hơn. Ngay trên vịnh Hạ Long, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau để khách lựa chọn và lưu trú dài ngày. Ở ven bờ Hạ Long có rất nhiều tài nguyên du lịch để có thể phát triển. Hiện tại đã phát triển được ở Tuần Châu và gần đây thêm Yên Tử, Bạch Đằng là nơi có những tài nguyên du lịch về văn hóa tâm linh, lịch sử rất tốt. Đó chính là những điểm đến có thể xâu chuỗi.
Rồi Quảng Ninh là trung tâm khai thác than lớn nhất nước, nhưng rất nhiều người chưa hề biết cách thức mà người thợ mỏ khai thác than như thế nào, cái đó có thể đem đến sự trải nghiệm rất tôt cho du khách. Hay Vân Đồn cũng rất đặc biệt. Một khẩu hiệu cần phải đưa ra là: “One night more” để kéo thêm khách đến.
Cuối cùng,tổ chức lại khâu dịch vụ sao cho khoa học để đạt hiệu quả cao hơn. Dịch vụ hiện nay vẫn đơn giản, cạnh tranh theo kiểu mạnh ai nấy làm. Cần tạo ra một tầm nhìn mới, những giải pháp mới, có những bước đi, cách thức mới, từ đó tạo ra sự thay đổi về chất và lượng cho du lịch Việt Nam nói chung, Quảng Ninh và vịnh Hạ Long nói riêng.
Gỡ nút thắt là vấn đề phải làm lâu dài và là công việc chung của cả nước, không chỉ Quảng Ninh. Cụ thể ngành Du lịch sẽ tập trung vào những việc gì để vịnh Hạ Long ngày càng xứng tầm,thưa ông?
- Đối với ngành Du lịch, chúng tôi đã có những quyết sách cần làm ngay sau khi vịnh Hạ Long “đăng quang”. Chúng tôi sẽ báo cáo với Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xây dựng một chiến lược marketing quảng bá và lấy vịnh Hạ Long là một trong những thương hiệu tiêu biểu của du lịch Việt Nam. Để làm được điều này sẽ cần xây dựng từ những giai đoạn ngắn, rồi kế hoạch 5 năm, 10 năm và tầm nhìn trong những năm sau nữa; làm sao để hội nhập được vào tư duy mang tầm quốc tế, được thế giới công nhận một cách hiệu quả nhất.
Trân trọng cám ơn ông!