Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công điện hỏa tốc về đẩy nhanh vốn đầu tư công Vì sao Thái Nguyên giải ngân vốn đầu tư công chậm? Vĩnh Phúc gỡ khó một số dự án giao thông trên địa bàn |
Ngày 27/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024. Thông tin từ hội nghị cho biết, năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc được giao hơn 7.895 tỷ đồng vốn đầu tư công, gồm vốn ngân sách Nhà nước do Trung ương giao hơn 7.776 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh giao bổ sung gần 120 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 4.460 tỷ đồng; cấp huyện, cấp xã phân bổ chi tiết hơn 3.430 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Vĩnh Phúc tính đến giữa tháng 9/2024 đạt hơn 3.998 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao (Ảnh: KL) |
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Vĩnh Phúc tính đến giữa tháng 9/2024 đạt hơn 3.998 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 48,4% tổng số vốn kế hoạch (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài). Trong đó, tỷ lệ giải ngân cấp tỉnh đạt 32,5%; tỷ lệ giải ngân các huyện, thành phố đạt 70,8%.
Tại hội các đại biểu đã thẳng thắn kiểm điểm, đồng thời phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn thấp. Trong đó, nguyên nhân do trong những tháng đầu năm, các nhà thầu tập trung thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng chậm trễ, kéo dài.
Bên cạnh đó, một số dự án chưa có tên hoặc chưa đủ chỉ tiêu sử dụng đất trong danh mục quy hoạch được duyệt, phải thực hiện thủ tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của cấp huyện.
Ngoài ra, vốn bổ sung từ ngân sách địa phương cho chi đầu tư công năm 2024 đến nay chưa được phân bổ dẫn đến nhiều công trình chưa được giao vốn để thực hiện; nhiều dự án khan hiếm về nguồn vật liệu đất đắp…
Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt mục tiêu hơn 95%, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đề nghị các cấp, ngành, địa phương, các Ban quản lý dự án tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu thầu, tăng cường giám sát, kiểm tra nhà thầu trong thi công dự án. Văn phòng UBND tỉnh sớm đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiện toàn Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công; định kỳ hằng tháng Tổ công tác đặc biệt họp kiểm điểm tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Trước đó, vào ngày 26/9, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cũng họp với các sở, ngành, địa phương thực hiện ngay những giải pháp gỡ khó cho các dự án giao thông lớn trên địa bàn.
Trong đó, đối với Dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (tuyến đường Vành đai 5 - Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi quốc lộ 2C và Tuyên Quang). Theo báo cáo, đến hết tháng 8/2024, tổng khối lượng, giá trị thực hiện thi công mới đạt 12,6%. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện gặp phải một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, bàn giao diện tích đất thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo và xác định địa điểm xây dựng các khu tái định cư…
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận địa điểm xây dựng các khu tái định cư.