CôngThương - Dự án trong lĩnh vực dệt may có vốn đầu tư khá lớn vừa được cấp phép đầu tư có tổng mức đầu tư 180 triệu USD. đây là dự án tại tỉnh Hải Dương do hai tập đoàn Pacific và Crystal (Hongkong, Trung Quốc) liên doanh đầu tư.
Được xây dựng trên diện tích 70 ha tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp (xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Với 180 triệu USD vốn đầu tư, Liên doanh Pacific và Crystal sẽ xây dựng tại đây một nhà máy dệt trị giá 120 triệu USD và nhà máy may trị giá 60 triệu USD.
Là hai tập đoàn lớn có kinh nghiệm và doanh thu lớn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng dệt và may, việc Pacific và Crystal liên doanh đầu tư tại Việt Nam được các chuyên gia trong ngành nhận định, sẽ nâng cao quy mô và năng lực sản xuất cho ngành dệt may trong những năm tới.
Trung tuần tháng 7/2011, UBND tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho nhà đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH một thành viên Grace Vina để xây dựng nhà máy may hàng xuất khẩu tại tỉnh này, với số vốn 5 triệu USD. Nhà máy may được xây dựng tại ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) trên diện tích 3,4 ha, quy mô dự án sản xuất 26,9 triệu quần, áo sơ mi nữ/năm.
Ông Hur Dae Seon, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Grace Vina cho hay, chi phí lao động tại Hàn Quốc ngày một tăng cao và Việt Nam đang được chọn là điểm đến để các doanh nghiệp Hàn Quốc dịch chuyển đầu tư. “Mặc dù lao động tại Việt Nam hiện không còn dồi dào như trước và cạnh tranh về lao động giữa các ngành sử dụng nhiều nhân công rất quyết liệt, nhưng về cơ bản, chi phí sản xuất tại Việt Nam vẫn khá hấp dẫn. Đây là lý do này khiến Grace Vina đầu tư nhà máy sản xuất tại Trà Vinh”, ông Hur Dae Seon cho biết.
Trước đó (tháng 5/2011), UBND tỉnh Bắc Giang đã chấp thuận cho Công ty TNHH Thời trang Vert (Hà Lan) đầu tư nhà máy may quy mô 4 ha tại thôn Kim Tràng, xã Việt Lập, tỉnh Bắc Giang. Dự án có tổng mức đầu tư 8 triệu USD, gồm 2 xưởng may, với công suất 1,9 triệu sản phẩm xuất khẩu/năm. Khi 2 xưởng may của Công ty được đưa vào hoạt động (năm 2012), sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho ngành hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam.
Theo số liệu mà Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cung cấp, tính đến ngày 31/12/2010, ngành dệt may nước ta có khoảng 650 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và liên doanh, trong đó tập trung lớn nhất là Đài Loan và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này đóng góp tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu hàng dệt may xuất khẩu của nước ta, cũng như làm gia tăng năng lực sản xuất. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều dự án đầu tư tại nước ta đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, do các nhà đầu tư này xuất khẩu trở lại thị trường nội địa.
Với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 10,2 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2011 đạt trên 6,1 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010, ngành dệt may nước ta tiếp tục khẳng định với thế giới và các nhà đầu tư về triển vọng phát triển. Tuy nhiên, việc có thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn lớn vào các lĩnh vực quan trọng như dệt, sợi… vẫn là một thách thức rất lớn, đòi hỏi ngành và các doanh nghiệp phải biết tận dụng tốt các cơ hội, sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng đúng hướng, để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.