Cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu điều cẩn trọng trong ký kết hợp đồng Doanh nghiệp xuất khẩu điều kêu cứu vì nguy cơ mất 100 container hàng |
Theo các chuyên gia, hiện nay có các hình thức thanh toán gồm Điện chuyển tiền (T/T); Trả tiền nhận chứng từ (D/P); Thư tín dụng (L/C). Trong đó, L/C được đánh giá là phương thức thanh toán an toàn nhất.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu VIETGO cho biết, đặc điểm chung của các đơn hàng điều đang gặp khó là đều được thanh toán qua hình thức D/P (nhờ thu), một phương thức thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế, thanh toán giao tiền thì giao chứng từ. Tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp xúc tiến xuất nhập khẩu, đây là hình thức khá là rủi ro.
Chế biến điều xuất khẩu |
Ông Nguyễn Tuấn Việt khẳng định: "Hình thức này tên chính là nhờ thu. Nó đã thể hiện sự rủi ro. Chúng ta không bao giờ đưa hàng cho người khác mà nhờ một người thu và nếu không thu được thì thôi, nghĩa là gần như không có cam kết hoặc cam kết rất lỏng lẻo".
Do đó, các chuyên gia cho rằng, phải chọn cho mình phương thức thanh toán quốc tế và lựa chọn các cán bộ ngân hàng thật sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ít nhất bên mua phải chuyển trả trước 30%, phần còn lại 70% thanh toán bằng thư tín dụng (L/C). Ngoài ra, việc thẩm định công ty không thể thiếu, thông qua các cơ quan chuyên trách như: thương vụ, các phòng thương mại tại nước sở tại để xác minh.
Tuy nhiên, dù L/C là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu lý giải, hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà họ mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không 100% thì cũng phải một tỷ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế cả. Nếu doanh nghiệp cứ khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác.
Đó là chưa kể thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Đã mua bán thì ai cũng muốn kết thúc thương vụ nhanh cả. Do đó, L/C chỉ chiếm khoảng 5% tỷ lệ thanh toán trên thực tế đối với hàng nông sản.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nhân điều thường dùng phương thức thanh toán T/T, D/P và CAD (thanh toán chứng từ trả tiền ngay) khi ký hợp đồng. Phương thức D/P hoặc CAD bớt rủi ro không được thanh toán cho người bán, mà cũng không mất nhiều thời gian, không yêu cầu người mua phải ký quỹ tại ngân hàng nên thường được cả người mua, người bán cùng chấp nhận. Từ đó hình thành cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh.
“Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C” – ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Bộ Công Thương thông tin, sau khi nhận được thông tin về vụ việc các doanh nghiệp xuất khẩu điều gặp khó tại Italia, Hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp, nhanh chóng vào cuộc để gỡ khó cho các doanh nghiệp. Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, doanh nghiệp cần cẩn trọng có các phương án dự phòng rủi ro hơn trong các giao dịch thương mại.
“Câu chuyện các container nhân hạt điều tại Italia vẫn chưa kết thúc, các bên cần chung tay để tìm ra giải pháp khả dĩ nhất hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó cũng rút ra những bài học cần thiết để xuất khẩu nông sản tiếp tục vươn lên” – ông Hải cho hay.