Quản lý thị trường giám sát, xử phạt vi phạm kinh doanh xăng dầu Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Quyết liệt trong quản lý kinh doanh xăng dầu là rất cần thiết |
Chia sẻ với phóng viên Vuasanca liên quan đến việc Bộ Công Thương vừa tước giấy phép hoạt động của 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, khi doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép, các doanh nghiệp liên quan, nhất là doanh nghiệp nhập hàng phản ánh về vấn đề thiếu nguồn cung, thì chưa hợp lý và không chính xác.
TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế |
"Tôi lấy ví dụ, nếu như chúng ta đi mua xăng, cửa hàng này đóng của thì sẽ lập tức sang của hàng khác để mua. Đấy là người tiêu dùng còn làm như vậy, huống chi các doanh nghiệp kinh doanh, họ sẽ không chỉ có 1 nguồn cung" - TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Ánh, các doanh nghiệp phân phối khi hợp tác với nhau sẽ dựa trên những thoả thuận cụ thể bằng hợp đồng. Trong trường hợp này, thì sẽ có những hợp đồng được ký trước khi các doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh và các hợp đồng đó vẫn có hiệu lực. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp bị tước giấy phép thì họ vẫn còn một lượng hàng nhất định trong kho…
Do đó, theo TS Vũ Đình Ánh, vấn đề ở đây liên quan đến việc hướng dẫn xử lý sau khi tước giấy phép kinh doanh xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Công Thương.
Cụ thể, quy định, hướng dẫn xử lý các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài và các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước. “Một khi đã có hướng dẫn xử lý rồi mà họ vẫn vi phạm thì lúc đó cơ quan quản lý nhà nước cần xử phạt thật nặng” - Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Theo ông Ánh, việc rút giấy phép sẽ kéo theo một loạt hệ quả, đặc biệt là liên quan tới các đối tác, xử lý các nghĩa vụ và các quyền của các đối tác. Do đó, phụ thuộc rất nhiều vào quy định, hướng dẫn gắn với việc tước giấy phép của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương nên có những quy định, hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp đầu mối khi thực hiện tước giấy phép của các doanh nghiệp này, để đảm bảo quyền, lợi ích của các doanh nghiệp liên quan.
Ngoài ra, trong số 7 doanh nghiệp bị tước giấy phép lần này có 2 doanh nghiệp đã từng bị tước giấy phép vì liên quan đến việc buôn lậu xăng dầu. Theo TS Vũ Đình Ánh, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, bởi vấn đề buôn lậu xăng dầu tại Việt Nam hiện nay khá trầm trọng.
“Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu do vi phạm, sau khi hết thời hạn tước giấy phép, việc cấp phép lại cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hơn, để các doanh nghiệp nhận thấy bài học thích đáng, khi kinh doanh không lành mạnh và không đủ điều kiện” - ông Ánh nói.