Vụ Audi tông chết 3 người: Chấn chỉnh tình trạng cán bộ dùng rượu bia Vụ Audi tông chết 3 người: Khởi tố bị can và bắt tạm giam tài xế Nguyễn Đức Thịnh |
Cần xem xét tăng mức chế tài đối với hành vi vi phạm
Như Vuasanca đã đưa, đêm 2/6, tại khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ (P.Ngô Quyền, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người cùng một gia đình tử vong tại chỗ.
Người điều khiển phương tiện gây tai nạn là ông Nguyễn Quốc Thịnh (35 tuổi, trú P.Ngô Quyền, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), một cán bộ của Ban Quản lý bảo trì đường bộ (thuộc Sở GTVT Bắc Giang) đã vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn.
Ngày 4/6, Cơ quan điều tra, Công an TP Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Thịnh để làm rõ hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân phần lớn từ việc người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần, hình thức xử phạt áp dụng khá nghiêm khắc, nhưng các vụ tai nạn giao thông thảm khốc vẫn xảy ra, để lại nhiều mất mát cho gia đình và xã hội.
Có thể thấy, hành vi của ông Thịnh là vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, cụ thể là hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu có nồng độ cồn (Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ hiện hành) đã gây ra vụ tai nạn khiến 3 người thiệt mạng.
Chiếc xe Audi hư hỏng nặng sau vụ tai nạn |
Hành vi này đã cấu thành tội phạm “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự, đây là tội phạm nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù, ngoài ra người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm.
Đáng nói, ông Thịnh hiện đang là cán bộ Ban quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Bắc Giang (trực thuộc Sở giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang), là người có hiểu biết pháp luật giao thông nhưng lại gây ra tai nạn với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết ba người (trong đó có một người dưới 16 tuổi).
Ngoài ra, với tư cách là một cán bộ nhà nước, ông Thịnh còn phải chịu hình thức xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức. Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 78, Khoản 3 Điều 79 Luật Cán bộ công chức 2008 sửa đổi bổ sung 2020, nếu cán bộ/công chức bị Tòa án kết án phạt tù thì sẽ đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
"Do đó, ông Thịnh nhiều khả năng sẽ bị VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố với mức cao nhất của khung hình phạt và phải chịu trách bồi thường thiệt hại về tính mạng cho thân nhân của người chết, đồng thời bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật" - luật sư Tiền nhấn mạnh.
Theo luật sư Tiền, đối với người dân bình thường, việc điều khiển xe khi đã uống rượu bia đã là việc không được làm, thì đối với những cán bộ có địa vị, chức danh như ông Thịnh, càng phải lên án và xử lý thật nghiêm.
Việc Công an TP. Bắc Giang ra quyết định tạm giữ hình sự đối với ông Thịnh để phục vụ điều tra cũng như sự vào cuộc của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an (C08) thể hiện sự nghiêm túc, kịp thời của cơ quan chức năng, thái độ kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật, bất kể người vi phạm là ai.
"Động thái trên của cơ quan công an khiến dư luận rất đồng tình, ủng hộ, đồng thời kịp thời động viên, xoa dịu nỗi đau của gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn trên" - luật sư Tiền nói.
Qua những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng nói chung và vụ việc này nói riêng, theo luật sư Tiền, cần xem xét tăng mức chế tài đối với hành vi điều khiển xe khi đã uống rượu, bia. Với quy định nếu uống rượu bia lái xe, sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm hiện vẫn chưa đủ sức răn đe.
Theo đó, ngoài việc tăng mức phạt tiền, phạt tù có thể xem xét áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như: cấm hành nghề lái xe vĩnh viễn, không cấp lại bằng cho những người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, chết người,... nhằm tạo tính răn đe, nghiêm khắc của quy định pháp luật, nâng cao chất lượng, văn hoá tham gia giao thông của người dân.
Cần coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm
Từ vụ việc trên, và sau khi hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe vi phạm nồng độ cồn thời gian gần đây, cũng trong ngày 4/6, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị các cơ quan chức năng hướng dẫn phạt tù lái xe say rượu theo điều 260 Bộ luật hình sự.
Theo TS Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: Bộ Luật hình sự quy định các hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ vượt quá mức quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên nội dung này chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
"Cần sớm ban hành hướng dẫn để xử lý nghiêm khắc lái xe uống rượu bia. Lái xe phải bị phạt nặng tương ứng với hành vi. Vi phạm nồng độ cồn mức cao có thể bị phạt tù dù chưa gây hậu quả", ông Minh nhấn mạnh.
Theo cơ quan công an, số vụ tai nạn liên quan rượu bia chiếm 2%; số vụ và tài xế vi phạm nồng độ cồn chiếm 5% tổng số bị xử phạt. Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra, đây là con số thấp so với thực tế vì việc lái xe điều khiển phương tiện sau khi ra từ quán bia khá phổ biến.
Bên cạnh đó, việc xử phạt nồng độ cồn tại các địa phương còn chưa đồng bộ. TP.HCM trung bình một tháng xử lý 3.000 trường hợp vi phạm nhưng ở Hà Nội chỉ có 300, trong khi quy mô dân số đô thị tương đương. Vì vậy, ông Minh đề nghị các địa phương tăng xử phạt, nếu nới lỏng thì tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông sẽ tái diễn.
Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, các nước phát triển đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất an toàn giao thông. Trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù người vi phạm.
Theo TS Lê Thu Huyền (Đại học Giao thông Vận tải), hầu hết quốc gia coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả. Tài xế có thể dễ dàng chi vài chục triệu đồng để nộp phạt nếu vi phạm nhưng khi bị bỏ tù thì chắc chắn họ sẽ sợ và tuân thủ. Ngoài ra, tài xế còn bị lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử lý lũy tiến khi tái phạm.
Quy định xử phạt với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau: - Đối với xe ô tô (Theo quy định tại Điều 5): + Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; + Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; + Nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 mg/100 ml hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ có thời hạn tùy từng trường hợp. |