Từ đầu năm đến nay xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc |
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị Sở Y tế Hải Phòng khẩn trương triển khai các nội dung liên quan vụ việc xảy ra ở nhà máy đóng tàu Sông Cấm, TP. Hải Phòng, trong đó có hơn 120 người phải nhập viện để điều trị, nghi do ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Hải Phòng khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể nhà máy đóng tàu Sông Cấm, tổ chức điều tra vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét xét nghiệm tìm nguyên nhân; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến; tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị Sở Y tế Hải Phòng khẩn trương triển khai các nội dung liên quan vụ gần 180 công nhân ngộ độc. |
Tối 27/6, Sở Y tế Hải Phòng chính thức thông tin về vụ việc hàng trăm công nhân của Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm (trên địa bàn xã An Hồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) phải nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, sau bữa ăn trưa cùng ngày 27/6, một số công nhân Công ty đóng tàu sông Cấm có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, mặt đỏ và da mẩn ngứa, số công nhân này sau đó được đưa đến cơ sở y tế kiểm tra.
Đến 16h có 127 công nhân đã được chuyển đến các cơ sở ỷ tế trên địa bàn Hải Phòng, gồm: Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện đa khoa Quốc tế và Trung tâm Y tế huyện An Dương để điều trị và theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, 51 công nhân có triệu chứng nhẹ được theo dõi tại Công ty đóng tàu Sông Cấm.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc tổ chức tiếp nhận người bệnh, đánh giá và phân luồng các ca bệnh, thường xuyên theo dõi công tác điều trị tại các khoa lâm sàng.
Đồng thời, tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử lý, cứu chữa kịp thời người bệnh; theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, sẵn sàng hội chẩn tuyến trên hoặc chuyển tuyến khi cần thiết và quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.
Liên quan đến vụ việc, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng cũng đã vào cuộc, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Qua xác minh ban đầu cho thấy, tổng số bữa trưa ngày 27/6 của công nhân Công ty đóng tàu Sông Cấm là 795 suất, được chia làm 2 thực đơn. Đơn vị cung cấp các suất ăn là Công ty TNHH dịch vụ Thành Hưng (thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương, huyện An Dương), đã được cấp Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Trong đó, 400 suất với thực đơn là cá thu kho, chả lá lốt, bí xanh, canh rau ngót, cơm, dưa hấu. Số công nhân có dấu hiệu ngộ độc phải nhập viện nêu trên chủ yếu sử dụng thức ăn trong thực đơn có món cá biển kho.
Sở Y tế Hải Phòng cũng cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo Thanh tra Sở vào cuộc phối hợp làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo tới cộng đồng.