Vụ quán cà phê vứt rác ra biển Mũi Né: Bảo vệ môi trường là vấn đề “sống còn” của du lịch
Mới đây, trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tik Tok lan truyền clip ghi lại hình ảnh nam nhân viên tại một quán cà phê khi tới dọn bàn của khách đã thẳng tay ném những ly nước bằng nhựa xuống bãi biển Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh /chu-de/tinh-binh-thuan.topic.
Clip này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội sau khi đăng tải. Nhiều bình luận bày tỏ bức xúc, phẫn nộ bởi hành động kém ý thức của nhân viên quán cà phê đối với môi trường. Thậm chí, không ít tài khoản mạng xã hội đã kêu gọi tẩy chay và yêu cầu đánh giá 1 sao cho cơ sở dịch vụ này.
Sau vụ việc, quán cà phê đã đóng cửa để đào tạo lại quy trình cho nhân viên. Đồng thời chủ quán cam kết sẽ siết chặt việc quản lý, không để tái diễn tình trạng tương tự. Đặc biệt, với hành vi bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt xuống biển, gây ảnh hưởng tới môi trường, chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản và xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng với chủ cơ sở.
LuxGroup tổ chức hoạt động Chung tay làm sạch vịnh Hạ Long. Ảnh: LuxGroup |
Việc dư luận phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay, cũng như chính quyền kịp thời vào cuộc xử phạt quán cà phê bởi đây là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường cũng như đang đi ngược lại với những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng trong thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021.
Với bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào, nhất là du lịch, môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của sản phẩm và khả năng thu hút khách. Vì vậy, bảo vệ môi trường đang là vấn đề có tính sống còn đối với du lịch Việt Nam hiện nay.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ đã nêu rõ quan điểm: "Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Ông Phạm Hà, CEO LuxGroup - đơn vị vận hành du thuyền tại vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hà - được biết đến là quản lý đơn vị kinh doanh du lịch luôn trăn trở với tình trạng ô nhiễm môi trường đang tác động tiêu cực đến hình ảnh điểm đến của du lịch Việt Nam. CEO này từng chia sẻ, có một đoàn khách Pháp 10 người đi du thuyền Hạ Long hai ngày một đêm, họ đã chia sẻ rất thích cảnh đẹp của vịnh Hạ Long nhưng chê thậm tệ môi trường bụi bẩn và rác.
Theo CEO LuxGroup, đoàn khách Pháp cho biết việc này khiến họ suy nghĩ về chuyện có nên quay lại hay không. “Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối trên vịnh Hạ Long. Rác bám vào khe đá, nổi trên mặt biển khiến khách nước ngoài không dám xuống bơi. Nhiều khách quốc tế bức xúc, truyền tai nhau và chia sẻ hình ảnh, trải nghiệm không tốt lên mạng xã hội, các trang du lịch lớn"- ông Hà lo ngại.
Những than phiền của du khách về ô nhiễm môi trường cho thấy, du lịch xanh, du lịch bền vững không chỉ là xu hướng được du khách quốc tế quan tâm mà còn là một trong những yếu tố quyết định đến việc lựa chọn điểm đến của họ. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch cần quan tâm mạnh mẽ cũng như có sự quản lý chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh du lịch, doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất của mình với vấn đề môi trường.
Trở lại vụ việc quán cà phê tại Mũi Né bị tẩy chay vì hành vi xả rác ra biển, chia sẻ với Vuasanca , PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo duc của Quốc hội - nhấn mạnh, đây là lời cảnh báo mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
“Môi trường không chỉ là tài sản quý giá của quốc gia, mà còn là yếu tố cốt lõi để du lịch phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận rằng, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nguồn lực kinh doanh của họ, đồng thời cũng đóng góp vào sức hút lâu dài của điểm đến với du khách quốc tế”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT) - cũng cho rằng, vụ quán cà phê vứt rác xuống biển Mũi Né và bị cộng đồng kêu gọi tẩy chay cho thấy sự cần thiết của việc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm và tôn trọng môi trường trong ngành du lịch, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch thân thiện môi trường.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cảnh quan thiên nhiên như biển, rừng, di sản văn hóa là "nguồn sống" của du lịch Việt Nam. Khi những tài nguyên này bị suy thoái, không chỉ doanh nghiệp mất đi nguồn lợi mà còn làm giảm sức hút của toàn ngành. Do vậy, việc bảo vệ môi trường còn giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt du khách quốc tế.
Hơn thế, ngày nay, du khách có xu hướng lựa chọn các điểm đến và dịch vụ thân thiện với môi trường, nơi họ có thể trải nghiệm du lịch mà không gây hại đến thiên nhiên. Các doanh nghiệp thể hiện cam kết bảo vệ môi trường sẽ dễ dàng thu hút khách hàng trung thành, tạo dựng uy tín và phát triển bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng khi các tiêu chuẩn quốc tế về du lịch bền vững ngày càng cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến ngày càng găy gắt, hành động bảo vệ môi trường là cách để du lịch Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu. Trong đó, những nỗ lực giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn được biết đến như một quốc gia có trách nhiệm với môi trường.
"Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch phát triển theo hướng bền vững, tạo dựng lòng tin với du khách và đóng góp vào sự phát triển dài hạn của ngành du lịch Việt Nam"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.