“Vua cá” miền Tây
- Chặn cả nhánh sông để nuôi cá
Theo đuổi nghề cá từ năm 11-12 tuổi, đến nay đã trên 50 năm, ông Trần Văn Hùng- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá - gắn bó với sông nước và con cá ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông luôn trăn trở với suy nghĩ phải thoát nghèo bằng con cá. Từ đó, ông đã trở thành người đầu tiên của miền Tây đưa cá tra ra nuôi ở ao, biến con cá tự nhiên trở thành cá nguyên liệu cung cấp cho thị trường. Nghề nuôi cá trồi sụt thất thường, nhưng lòng ham mê và cái nghiệp với cá đã vận vào người nên Hùng Cá không bao giờ bỏ cuộc. Giai đoạn 1994-1995, với kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, người con xứ Tháp Mười đã qua Cần Thơ thuê nhà máy làm gia công cá nguyên liệu xuất khẩu. Từ kinh nghiệm đã có, năm 2006, ông quay về Đồng Tháp đầu tư Nhà máy chế chế biến và xuất khẩu cá tra.
Hùng Cá đạt tổng công suất mỗi năm 72.000 tấn cá nguyên liệu, 30.000 tấn cá phi lê thành phẩm, 5.000 tấn hàng giá trị gia tăng và thực phẩm đóng hộp. Hiện, Hùng Cá đang đầu tư vốn nuôi thủy sản nguyên liệu trên 500ha đất tại 3 huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông trên vùng lũ Đồng Tháp Mười. |
Cái tên gắn bó với nghề không phải tự nhiên mà có. Chính những bạn hàng nước ngoài đã đặt biệt danh “Hùng cá” để ghi nhận những uy tín của ông đối với nghề. Vẻ chân chất, mộc mạc và cách nói chuyện tự nhiên của người miền Tây đã biến khoảng cách xa lạ ban đầu được rút gần lại, câu chuyện làm giàu từ cá tra mà hơn cả là việc đánh dấu thương hiệu, uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam trên bản đồ thủy sản thế giới cứ dần được gợi mở. Nhắc đến con cá tra, ánh mắt ông luôn ánh lên niềm đam mê khác thường. Hàng chục năm trước, khi người dân vẫn còn nếp nuôi cá theo bè, ông đã sáng tạo nuôi cá ao vì rẻ hơn và sinh lời nhiều hơn, chi phí duy trì lồng bè cũng ít đi. Từ thành công của ông, các hộ dân trong vùng cũng đã chuyển sang sản xuất và nuôi cá tra theo ao, giờ đã trở thành phổ biến.
Những ngày đầu trở lại Đồng Tháp lập nghiệp, Trần Văn Hùng không biết bao đêm thức đến 2-3 giờ sáng để tính toán kế hoạch kinh doanh, mở rộng vùng nguyên liệu. Niềm đam mê với con cá đã khiến ông quyết định chặn cả một nhánh sông Tiền dài gần 2km làm thành vùng nguyên liệu nuôi cá tra. Chỉ tay ra một nhánh chảy ra sông Mê Kông, ông rổn rảng cười và nói: “Nếu cho phép, tôi cũng sẽ chặn dòng này để cải tạo thành ao nuôi cá”.
Theo nghề bằng kinh nghiệm, sự quyết đoán và cả những tính toán kỹ càng chứ không làm liều chạy theo số đông, đến nay, Hùng Cá đã có 3 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, năng suất chế biến đạt 500 tấn/ngày, hơn 3.000 lao động trực tiếp và trên 1.000 lao động của vùng chăn nuôi cá nguyên liệu. Lợi nhuận thu được từ những năm đầu kinh doanh khoảng 100 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2011, tổng doanh thu đã hơn 2.000 tỷ đồng; doanh thu năm 2012 tăng trưởng trên 10%.
Xây thương hiệu từ chữ tín
Hùng Cá đã trở thành doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chủ động và lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long khi sở hữu gần 200 ao nuôi cá trải rộng trên 3 huyện của tỉnh Đồng Tháp. Ông nuôi cá tra theo tiêu chuẩn GAP (cá sạch từ đầu vào đến đầu ra). Ông bảo nếu nuôi theo cách thông thường, mỗi vụ đạt 400-500 tấn/ha, nuôi theo GAP chỉ đạt khoảng 200 tấn/ha, nhưng chất lượng cao hơn, giá trị xuất khẩu cũng cao trên 20%. Vì lẽ đó, các sản phẩm chính như cá tra nguyên con, cá tra cắt khúc và cá tra phi lê, mang thương hiệu Hùng Cá đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trọng tâm là thị trường châu Âu, Nga, Trung Đông và trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa lớn nhất Việt Nam.
Mấy năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra có những biến động thất thường, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi không chủ động được nguồn nguyên liệu. Đúc rút kinh nghiệm qua hàng chục năm gắn bó với con cá tra, ông Hùng cho rằng, muốn phát triển bền vững thì các nhà kinh doanh phải có vùng nguyên liệu, tự tay chăn nuôi để có cá chất lượng. “Đầu tư trong ngành mà lãi được 10% cũng là tốt, còn phát triển ngoài ngành mà lời tới 50% tôi cũng không làm” – ông bộc bạch.
Thương hiệu Hùng Cá có được như ngày hôm nay không chỉ được xây dựng từ chữ tín với bạn hàng, đối tác mà còn được gây dựng từ hướng đi đúng. Nếu mua nguyên liệu trôi nổi, doanh nghiệp sẽ khó mà phát triển, cũng như tìm kiếm được lợi nhuận bền vững. Ông tâm sự: Đi bắt cá từ ngày bơi thuyền bằng tay, hiểu được khúc sông nào có cá nên tôi nhận ra rằng xã hội ngày càng phát triển thì càng phải tìm con đường bền vững mới có thể trụ được, chỉ nên làm ngành mình đã thấu hiểu. Hùng Cá đang trăn trở với dự án xây dựng nhà máy thứ 5, chuyên chế biến thức ăn cho cá với công suất 300 tấn, đây sẽ là nhà máy được đầu tư công nghệ cao nhất trong vùng. Bên cạnh đó, ông cũng đang xây dựng nhà máy bột cá và mỡ cá, mà sản phẩm làm ra chủ yếu để xuất khẩu. Tổng kinh phí đầu tư cho hai dự án này khoảng hơn 250 tỷ đồng.
Không chỉ được ghi nhận với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, 3 năm liên tục, doanh nghiệp Hùng Cá đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, giải thưởng Chất lượng Vàng Thủy sản, Thương hiệu vàng…. Năm 2012, công ty còn được thăng hơn 120 hạng trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của tổ chức VNR500. 6 năm qua, doanh nghiệp đã phát triển nhanh nên “Vua cá” miền Tây cho rằng, giờ là giai đoạn nên đi chậm lại, đầu tư theo chiều sâu và bổ sung những gì mình còn thiếu để gia tăng sức cạnh tranh thương hiệu trên thị trường.
Thùy Linh