Vùng đất của những điểm du lịch nổi tiếng
- Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch như: Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 của Tỉnh ủy, Nghị quyết phát triển du lịch Đăk Lăk giai đoạn 2007 - 2010 của Hội đồng nhân dân, quyết định ban hành Kế hoạch phát triển du lịch Đăk Lăk giai đoạn 2007 - 2010 với mục tiêu “Phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch. Khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch có lợi thế, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử... Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng có khả năng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, phù hợp với lợi thế và điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh. Góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ”.
Có thể nói, Đăk Lăk là vùng đất của những ngọn thác hùng vĩ như một nét chấm phá của bức tranh sơn thủy, với nét uyển chuyển mượt mà như mái tóc của nàng tiên giữa đại ngàn xanh kỳ bí. Huyền thoại về tình đất, tình người được chắt lọc tinh túy tạo nên những bản trường ca hùng tráng hòa quyện cùng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ẩn chứa một huyền thoại Đăk Lăk trong hành trình khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn Tây Nguyên.
Với nhiều tên gọi khác nhau, vùng đất Đăk Lăk đã được tách, nhập nhiều lần với các địa phương xung quanh. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Đăk Lăk ngày càng được biết đến và trở nên gần gũi với các du khách trong và ngoài nước bởi những địa danh: Hồ Lăk, Buôn Đôn, Kroong Kar, Thủy Tiên, vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin… Nhưng cái tên tạo nên một phong cách, một tầm nhìn và hơn hết là Thủ phủ Cà phê và vùng đất du lịch của sự khám phá thiên nhiên kỳ vĩ. Rừng nguyên sinh của Đăk Lăk có hệ sinh thái đa dạng với khoảng ba ngàn loại cây, gần một trăm loài thú và xấp xỉ hai trăm loài chim thuộc loại quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Một số địa danh nổi tiếng như Buôn Đôn với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng đứng đầu Đông Nam Á. Cảnh quan của Đăk Lăk có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ với cấu tạo địa hình thể hiện sự hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghềnh thác và những khu vực rừng nguyên sinh, tạo nên những thác nước đẹp nổi tiếng, quanh năm mịt mờ sương khói như thác Thủy Tiên, Bảy Nhánh… Nhiều hồ lớn với diện tích hàng trăm héc ta như: Hồ Lăk, Ea Đờn, Ea Súp Thượng…, phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động du lịch.
Với những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng, trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Đăk Lăk đã chủ động quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch. Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh đã mở ra nhiều hướng phát triển mới. Các chỉ tiêu phát triển du lịch phù hợp với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra; định hướng phát triển du lịch của tỉnh là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái thay vì phát triển các sản phẩm du lịch về voi và cà phê; phát triển du lịch tỉnh Đăk Lăk không tách rời với du lịch khu vực Tây Nguyên; phát triển các cơ sở sản xuất một số sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, tạo nguồn thu nhập cho nhân dân trong tỉnh… Mục tiêu của quy hoạch là đưa hoạt động du lịch trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Phấn đấu đến năm 2015 đón tiếp 660.000 lượt khách (120.000 lượt khách quốc tế), tổng doanh thu đạt 40 triệu USD; đến năm 2020 phấn đấu đón tiếp 1,2 triệu lượt khách (300.000 lượt khách quốc tế), tổng doanh thu 102 triệu USD; đến năm 2030 phấn đấu đón tiếp 3,8 triệu lượt khách (1 triệu lượt khách quốc tế), tổng doanh thu đạt 473 triệu USD. Mặt khác, tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch liên vùng, liên địa phương, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch của tỉnh phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số tỉnh khác như: Nghệ An, Phú Yên… tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch để trao đổi những thông tin về các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, trao đổi những kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp để liên kết, hợp tác phát triển tuyến, điểm du lịch giữa các tỉnh một cách bền vững.
Tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng có đặc thù của địa phương như: Du lịch xanh (tham quan rừng); du lịch cà phê (tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê…); tham quan buôn cổ, nhà dài truyền thống, dệt thổ cẩm; khám phá “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan sinh thái, môi trường du lịch để phát triển du lịch bền vững. |
Quỳnh Minh