Vùng đồng bằng sông Hồng: Giải pháp nào tạo đột phá về khoa học công nghệ?
Nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh
Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo |
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.
Vùng đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế quan trọng hàng đầu của cả nước, được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước.
Quy mô kinh tế đứng thứ 2/6 vùng trong cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển biến khá tích cực. Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 10,92% xuống 6,4%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 39,69% lên 45,12%, khu vực dịch vụ giảm từ 52,7% xuống 48,48%.
Vùng đồng bằng sông Hồng có tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước. Toàn vùng có có 291/552 tổ chức nghiên cứu và phát triển (chiếm trên 50% tổng số tổ chức nghiên cứu và phát triển cả nước); có trên 150 trường đại học, học viện; có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, có hơn 500 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập, 5/22 sàn giao dịch công nghệ thiết bị; có trên 300 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đầu tư ngân sách cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016 - 2020 là 5.455,8 tỷ đồng (chiếm 29,7% so với cả nước).
Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có đóng góp tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng.
Các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Doanh nghiệp từng bước được xác định là trung tâm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày càng được củng cố, tăng cường, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng. "Tiềm lực khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố còn yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực khoa học và công nghệ trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật tiến bộ; đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế. Thị trường khoa học và công nghệ trong vùng phát triển chậm" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhận định.
Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, để đưa vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ.
Cần xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực |
Cụ thể, đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Các ngành, địa phương đưa các chỉ tiêu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo vào nội dung chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương.
Nhóm giải pháp tiếp theo là phát triển hạ tầng gồm: Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu.
Hoàn thiện hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và tăng cường đầu tư về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ để trở thành các đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại địa phương.
Tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức và công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp và thị trường. Phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam, các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.
Xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học. Xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển.
Một nhiệm vụ khác là tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bảo đảm chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ.
Tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa để khuyến khích các doanh nghiệp thành lập quỹ, sử dụng hiệu quả kinh phí của quỹ đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện cơ chế đối tác công tư, huy động vốn đầu tư, các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, cần tạo kênh kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các chương trình đào tạo cho nhân lực quản trị công nghệ và quản lý cho doanh nghiệp ở các trình độ/cấp độ khác nhau.
Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế. Xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ để định hướng cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng các trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tư vấn, môi giới về công nghệ do Nhà nước thành lập hoặc thông qua hỗ trợ tăng cường mối quan hệ liên kết giữa các trung tâm tư vấn của tư nhân với doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực hoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các giải pháp thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp.