Sản phẩm sơn mài truyền thống Hạ Thái được nhiều người ưa chuộng |
Làng nghề Hạ Thái là một trong số rất ít làng nghề sơn mài còn duy trì sản xuất và phát triển nghề truyền thống. Nếu như trước đây, hoạt động sản xuất của làng nghề vô cùng nhộn nhịp, tiếp nhận nhiều đơn hàng và hàng nghìn lao động từ các tỉnh khác thì hiện nay, việc tìm kiếm thị trường và thiếu hụt lao động đang trở thành khó khăn lớn nhất của sơn mài Hạ Thái. Từ sau năm 2010, thị trường trong nước suy giảm, thị trường thế giới biến động tạo ra nhiều thách thức cho làng nghề. Trở ngại đến từ việc cạnh tranh với các mặt hàng công nghiệp hiện đại, đầu ra không có bao tiêu, định hướng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp thu hút nhiều lao động khiến làng nghề thiếu lao động thủ công.
Ông Đỗ Hùng Chiêu - Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái - nhận định, làng nghề cần nhanh chóng đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng đến phát triển bền vững. Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy được thành lập, hình thành một mô hình tập trung sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho ra sản phẩm có năng suất và tính cạnh tranh cao, từ đó định hướng đường đi mới cho làng nghề.
Khởi nghiệp làng nghề vừa có tính đổi mới, vừa có tính kế thừa; tinh hoa của nghề được gìn giữ và phát triển để sơn mài bước vào đời sống thực tế hơn, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao. Cùng với các sản phẩm truyền thống như: Tranh sơn mài, hoành phi, câu đối, các nghệ nhân còn tạo ra nhiều sản phẩm bát, đĩa, lọ hoa… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh hình thức thủ công, việc sản xuất nay có thêm sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như: Máy chà, máy phun sơn, hệ thống quạt hút; tuy nhiên, tính thủ công vẫn là trọng yếu, chú trọng tính tỉ mỉ, bảo đảm sản phẩm đẹp, bóng mịn, có chiều sâu. Đáp ứng thị hiếu của khách hàng, sơn mài Hạ Thái đặt tiêu chí ưu tiên các vật liệu có thể phân hủy (tranh tre, giấy ép…). Sản phẩm sơn mài truyền thống Hạ Thái ngày càng được phổ biến rộng rãi, đặc biệt trên thị trường thế giới.
Mặc dù tình hình đang dần khởi sắc, làng nghề Hạ Thái vẫn cần sự bứt phá hơn nữa để nâng cao giá trị kinh tế và giá trị văn hóa truyền thống. Điều đó cần sự chú trọng hơn của nhà nước, sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và định hướng mang tính chiến lược, đảm bảo tính tập trung trong kinh doanh, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững. Đây là yếu tố cần thiết đối với làng nghề sơn mài nói riêng và với các làng nghề truyền thống nói chung.
Doanh thu của làng nghề sơn mài Hạ Thái có 70% từ xuất khẩu; sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, châu Âu, châu A |