Gia tăng tần suất các vụ việc
Gần đây, tần suất các cuộc điều tra chống bán phá giá của nước ngoài với hàng hóa Việt Nam liên tục gia tăng đã gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiếp nhận được từ cơ quan chức năng thông báo các Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng pin năng lượng mặt trời, mật ong hay Ủy ban Chống bán phá giá Australia gia hạn điều tra chống bán phá giá với ống thép...
Còn theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương - cho thấy, hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/ vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.
Khó khăn do đại dịch Covid-19 đang khiến cho nhiều quốc gia gia tăng sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước |
Tình trạng gia tăng vụ việc PVTM, theo Cục PVTM là do xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Đồng thời, tác động của việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều mặt hàng đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nhập khẩu khiến ngành sản xuất nước này phải đề nghị Chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân và xu thế bảo hộ xuất hiện tại một số nước, khu vực.
Ở chiều ngược lại, tính đến hết quý 1/2021, Bộ Công Thương đã điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp PVTM, 5 biện pháp tự vệ và 01 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương - nhấn mạnh, nhờ có các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu, từ đó có điều kiện để phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp PVTM trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và bền vững hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.
Ngoài ra, các biện pháp PVTM được triển khai được nhận định là đã bảo vệ công ăn việc làm của gần 150.000 người lao động trong các lĩnh vực liên quan. Theo tính toán, những ngành sản xuất này ước tính đang đóng góp khoảng gần 6% GDP của cả nước (theo GDP Việt Nam năm 2019). Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. "Nhờ công cụ PVTM, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất", ông Chu Thắng Trung nhận định.
Chủ động mạnh mẽ
Cho đến nay, trước xu thế kiện PVTM từ các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu quen và chủ động trong việc đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt, trải qua nhiều vụ kiện phòng vệ, nhiều doanh nghiệp đã tự tích lũy cho mình những kinh nghiệm để ứng phó.
Điển hình phải kể đến các doanh nghiệp ngành thép. Theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thép Hòa Phát là đơn vị luôn chủ động phối hợp với cơ quan điều tra trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu, phản biện các lập luận của nguyên đơn; đồng thời, doanh nghiệp này đặc biệt chủ động áp dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, rõ ràng về xuất xứ điều này giúp tập đoàn nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu việc “dính” tới những cáo buộc lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu. “Sự chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng, ngoài chủ động trong nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại” - ông Đa cho hay.
Doanh nghiệp cần quan tâm và chủ động ứng phó trước xu thế kiện PVTM từ các thị trường xuất khẩu |
Theo thống kê, năm 2013 có tới 16% doanh nghiệp được khảo sát không biết thông tin về PVTM, 19,8% có tìm hiểu sơ qua, gần 65% có nghe nói nhưng không hiểu và chỉ có gần 2% là đã tìm hiểu kỹ và đã từng tham gia vụ việc. Đến năm 2019 chỉ còn 11% doanh nghiệp không biết; 36% có nghe nhưng không hiểu sâu; 36% đã tìm hiểu về biện pháp và 17% đã tìm hiểu kỹ và là bên liên quan.
Dù vậy, đại diện Cục PVTM - cho rằng, hiện còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động và thậm chí lơ là trong việc triển khai các biện pháp ứng phó; còn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức được tầm quan trọng của công cụ PVTM và cho rằng các biện pháp này không trực tiếp tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khuyến cáo từ Cục PVTM, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, xu hướng bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới. Các biện pháp PVTM là một thực tế phổ biến trên thế giới, nhất là các doanh nghiệp, nhiều khả năng sẽ phải đối diện. Điều này sẽ khiến các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).
Vì vậy, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục PVTM - khuyến nghị, doanh nghiệp phải có nhận thức về các biện pháp PVTM và nâng cao qua việc tìm hiểu kỹ quy định về PVTM của các nước nhập khẩu, nhất là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu… và thậm chí cả các nước ASEAN. Các doanh nghiệp cần tính tới các phương án dự phòng trong chiến lược phát triển sản xuất và xuất khẩu để ứng phó với PVTM từ các nước nhập khẩu.
Đặc biệt, khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, ông Lê Triệu Dũng - nhấn mạnh: doanh nghiệp phải phối hợp với Bộ Công Thương cũng như cơ quan điều tra của nước ngoài. Kinh nghiệm cũng như thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của doanh nghiệp, ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với điều tra của nước ngoài là yếu tố quyết định có giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp PVTM hay không. Ngoài ra, doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.
Nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng như tạo đà cho xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT về Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chủ động sử dụng biện pháp PVTM cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp PVTM do nước ngoài áp dụng.
Hiện tại, theo Cục PVTM, việc thực hiện về cảnh báo sớm đối với nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau đang được các đơn vị của Bộ Công Thương, trong đó có Cục PVTM cập nhật danh sách ngành hàng, sản phẩm và có các điều chỉnh xuất khẩu phù hợp để hạn chế bị kiện trên trang web . Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành các vụ việc điều tra PVTM đang diễn ra nhằm kịp thời có các biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.