Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với thiên tai
Tin hoạt động 08/04/2016 09:00
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Thiên tai ngày càng phức tạp
Năm 2015, thiên tai xảy ra tuy ít hơn về số lượng, nhưng cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục, điển hình như đợt mưa lớn ở Quảng Ninh; nắng nóng do ảnh hưởng của El Nino trên địa bàn các tỉnh từ Bắc bộ đến Bắc Trung bộ..., ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Thiên tai tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại lớn về kinh tế (do hư hỏng tài sản, dừng sản xuất; chi phí khắc phục hậu quả…) cho ngành Công Thương. Tổng thiệt hại ước tính gần 1.720 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khoảng 1.200 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015, có thời điểm TKV có trên 30.000 người lao động phải nghỉ việc, gây nhiều xáo trộn, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đối với EVN, thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai trong năm 2015 là bão số 1 (Kujira). Bão Kujira đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến Nhà máy Thủy điện Sơn La và công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Huội Quảng. Đặc biệt, lưới điện phân phối có 22 lộ đường dây, 16 nhánh rẽ, 917 TBA bị sự cố, gây mất điện trên 314.000 khách hàng thuộc 29 huyện, thị xã các tỉnh phía Bắc; ước tính chi phí khắc phục lên tới 149 tỷ đồng.
Chủ động kế hoạch ứng phó
Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCTT&TKCN, năm 2015 Bộ Công Thương đã sớm có những chỉ đạo sát sao nhằm ứng phó tốt hơn đối với thiên tai. Nhiều kế hoạch đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của ban chỉ huy PCTT&TKCN đáp ứng được nguyên tắc “bốn tại chỗ”, bảo đảm sẵn sàng tham gia hoạt động PCTT&TKCN. Mặc dù vậy, vẫn còn những tồn tại như: tình hình cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hàng ngày trong mùa mưa lũ của một số nhà máy thủy điện chưa thường xuyên, kịp thời; một số đơn vị còn chủ quan, chưa chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; công tác báo cáo của một số đơn vị chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập về PCTT&TKCN chưa được thực hiện thường xuyên...
Triển khai công tác PCTT&TKCN năm 2016, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, các Sở Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong ngành Công Thương cần tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ PCTT&TKCN; tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại trong thực hiện các nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2015, xây dựng kế hoạch năm 2016 và tổ chức triển khai thực hiện; tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung được giao tại Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020; triển khai các nội dung được giao tại kế hoạch công tác năm 2016 của Uỷ ban quốc gia TKCN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về những nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai, các sự cố đối với các đơn vị trong ngành Công Thương.
Đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, lưới điện đảm bảo cung cấp điện, khôi phục nhanh sự cố lưới điện sau thiên tai; rà soát đánh giá mức độ an toàn của các bãi thải trong khai thác khoáng sản để có biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất và an toàn đối với khu dân cư lân cận... Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiểm tra đôn đốc các đơn vị thuộc ngành Công Thương trên địa bàn quản lý thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền về công tác PCTT&TKCN.