Xây dựng khung pháp lý cho dịch vụ vận tải kiểu Grab và Uber
This browser does not support the video element. |
Những ứng dụng của kinh tế chia sẻ đang thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội và nền kinh tế toàn cầu như một phần tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Là thị trường có tốc độ tiếp nhận và thích nghi công nghệ tương đối cao ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến nền kinh tế số không đòi hỏi chi phí cao về đầu tư và sử dụng, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng dịch vụ công nghệ kết nối vận tải từ năm 2014.
Dịch vụ Uber, Grab đã đem lại một trải nghiệm hết sức tích cực và hoàn toàn mới cho người dùng và đội ngũ lái xe, đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh và sức ép cần thiết lên các doanh nghiệp taxi theo mô hình kinh doanh truyền thống để đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, v.v…
Với quan điểm của Chính phủ là ủng hộ, khuyến khích ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh sáng tạo, hiệu quả tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã linh hoạt vận dụng khuôn khổ pháp lý hiện hành để tạo điều kiện cho việc thí điểm ứng dụng dịch vụ công nghệ kết nối vận tải.
Sau gần 2 năm thí điểm, người dùng, lái xe, doanh nghiệp và cơ quan quản lý các cấp đã ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực nhưng cũng thấy nảy sinh một số vấn đề mà khuôn khổ pháp lý hiện hành không còn phù hợp để quản lý.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng có thể nhận thấy tất cả các bên đều thống nhất rằng xu thế ứng dụng công nghệ này là không thể đảo ngược, vấn đề chỉ là làm thế nào để khai thác tối đa ưu điểm của mô hình này đồng thời hạn chế được thấp nhất những bất cập của nó.
Điều đó đòi hỏi phải có một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp. Khuôn khổ này cần được xây dựng hoàn toàn mới từ đầu, với tầm nhìn bao quát, chiến lược của một triết lý quản lý cho nền kinh tế số mà ở đó cách thức phân bổ nguồn lực rất khác và hiệu quả hơn nhiều so với nền kinh tế truyền thống hiện nay, hay khuôn khổ mới này chỉ cần xây dựng dựa trên việc bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi khung pháp lý hiện hành?
Dường như Bộ GTVT nghiêng về hướng thứ hai với việc chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Vậy khuôn khổ pháp lý mới này cần đáp ứng những tiêu chí nào để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của các bên liên quan đồng thời ràng buộc mỗi bên với những nghĩa vụ tương xứng nhằm giảm thiểu/triệt tiêu xung đột và tối đa hóa lợi ích tổng hòa cho xã hội?
Chuyên gia giao thông PGS.TS Từ Sỹ Tùa |
Theo chuyên gia giao thông PGS.TS Từ Sỹ Tùa, đã triển khai được 2 năm bây giờ mới xây dựng khung pháp lý là quá muộn. Phải tôn trọng lợi ích của tất cả các bên, trong đó lợi ích của hành khách và lợi ích của nhà nước phải được tôn trọng.
PGS.TS Từ Sỹ Tùa nhận định cần phải có khung pháp lý cho vận tải hành khách nói chung, kể cả vận tải hành khách bằng taxi truyền thống hay taxi công nghệ như Grab và Uber. Taxi truyền thống đã có văn bản tương đối đầy đủ, nhưng khi nảy sinh một dịch vụ vận tải mới là taxi công nghệ thì vấn đề quản lý taxi công nghệ phải có khung pháp lý, phải có sự điều tiết quản lý của nhà nước để đảm bảo lợi ích của các bên và ngược lại taxi công nghệ cũng phải nằm trong khuôn khổ này.
“Và điều quan trọng nhất là môi trường kinh doanh của tất cả các bên phải được bình đẳng, và quyền lợi của hành khách phải được tôn trọng. Những điều này khung pháp lý còn bỏ ngỏ”, PGS.TS Từ Sỹ Tùa cho biết.
Vấn đề quan trọng nhất trong một lĩnh vực dịch vụ là phải có trách nhiệm với xã hội, đó là đảm bảo được quyền lợi của hành khách, quyền lợi của người tham gia cung ứng dịch vụ cũng như tính xã hội.
Bên cạnh đó, ông Tùa cho biết, vai trò trọng tài của các cơ quan quản lý là rất quan trọng.
Lấy dẫn chứng, ông Tùa nói có điều bất hợp lý nhất là có một số đoạn đường taxi truyền thống bị cấm mà taxi công nghệ không bị cấm nên họ tối ưu được hành trình, tối ưu được giá cước cho nên khách hàng rất ủng hộ họ.
Để khắc phục sự bất cập này và đảm bảo sự công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, Sở GTVT TP. Hà Nội cũng đề xuất sẽ gỡ bỏ lệnh cấm trên một số tuyến đường đối với taxi truyền thống.