Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đã phối hợp với Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng cùng triển khai xây dựng mô hình trình diễn giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến tại HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đức (Sóc Trăng) đã mang lại những hiệu quả ban đầu, từng bước thay đổi tư duy sản xuất cũ.
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Chương trình triển khai từ đầu năm 2020 đến tháng 5/2020 trên diện tích 40ha lúa tại HTX Nông Nghiệp Mỹ Đức (Sóc Trăng) với hơn 20 hộ nông dân tham gia. Theo đó, không chỉ hợp tác với Viện lúa ĐBSCL triển khai mô hình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa tiên tiến, đạt năng suất và chất lượng cao trong chương trình sản phẩm lúa gạo quốc gia, Đạm Cà Mau còn là nhà cung cấp bộ sản phẩm mang thương hiệu Đạm Cà Mau, gồm: N46.Plus, N.Humate TE; Ure Bio; NPK Cà Mau; DAP Cà Mau và Kali Cà Mau; đi kèm là quy trình bón phâ hiệu quả.
Đạm Cà Mau đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng phân bón hiệu quả (bón đúng liều lượng, tiết kiệm phân bón nhưng mang lại năng suất cao) cho bà con nông dân; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra độ mặn để khuyến cáo nông dân thời điểm thích hợp để lấy nước vào ruộng. Đây là công tác quan trọng trong giai đoạn hạn mặn đỉnh điểm đang diễn ra ở khu vực ĐBSCL như hiện nay. Ngoài ra, trong giai đoạn khô hạn, chương trình còn áp dụng biện pháp quản lý nước AWD (ngập khô xen kẽ).
Theo TS Ole Sander, Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tại Việt Nam, với kỹ thuật trồng lúa hiện nay tại ĐBSCL, phải cần đến 2.000 lít nước để sản xuất ra 1kg lúa. Canh tác lúa nước cũng gây phát thải vào khí quyển lượng lớn khí nhà kính. Đối với vụ đông xuân, hệ số phát thải khí Metan (CH4) là 2,65kg/ha/ngày, còn vụ hè thu là 2,3kg CH4/ha/ngày. Qua triển khai kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ cho thấy kỹ thuật này sẽ giúp tiết kiệm 30% nước tưới, giảm 50% phát thải khí CH4 và tăng năng suất từ 9-15%.
Nông dân vui hơn
Đánh giá về chương trình, ông Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc HTX Mỹ Đức nói: “Hiện nay, các thành viên của HTX rất yên tâm vì cách sản xuất mới, công nghệ mới như máy sạ lúa giúp hạn chế thất thoát giống, hạn chế thuốc BVTV; đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu... Nông dân ở đây ai cũng mong chương trình sẽ kéo dài, được cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông và trạm BVTV tỉnh hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất, chăm sóc cây lúa… Đặc biệt, mong cán bộ thị trường của Đạm Cà Mau tiếp tục theo sát bà con nông dân hướng dẫn bón phân theo từng giai đoạn hợp lý, không chỉ tiết kiệm phân bón mà còn mang lại năng suất cao cho cây lúa”.
Bà Nguyễn Kim Thu - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ (Viện lúa ĐBSCL) chia sẻ: “Mục tiêu của mô hình là mang lại những kỹ thuật tiến tiến trong chăm sóc lúa cho bà con nông dân, từ đó tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận đồng thời bảo vệ môi trường”. Theo bà Thu, khi triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật đã giúp bà con nông dân hiểu sâu các phương pháp kỹ thuật trong sản xuất như: chọn giống lúa phù hợp cho vụ canh tác, tỷ lệ bón phân phù hợp, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, quản lý nước tiết kiệm, đặc biệt là giúp bà con biết cách quản lý dịch bệnh trên đồng ruộng. “Chúng tôi mong muốn mô hình lan tỏa, không chỉ ở Sóc Trăng mà còn ở cả vùng ĐBSCL; mong muốn mô hình gắn kết với địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các công ty thu mua đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm, phó trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đánh giá thêm: “Đạm Cà Mau đã phối hợp nhiệt tình với chúng tôi trong việc hướng dẫn nông dân cách quản lý phân bón và đo độ mặn trong khu vực. Cụ thể, công ty đã đồng hành cùng bà con trong quá trình theo dõi, bón phân theo từng thời điểm nên cây lúa phát triển tốt so với những người nông dân sản xuất theo tư duy cũ. Tính đến thời điểm hiện nay, chương trình đã mang lại nhiều thành công tốt đẹp. Hy vọng trong những năm tới, mô hình sẽ phát triển rộng rãi trong khu vực của huyện nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng”.
Đã hợp tác với viện lúa ĐBSCL trong 3 năm qua nên đội ngũ của Đạm Cà Mau rất chuyên nghiệp, từ khâu triển khai mô hình đến nông dân, kết nối chặt chẽ với Viện lúa ĐBSCL để trao đổi thông tin cũng như chia sẻ kỹ thuật kịp thời đến với nông dân tham gia. Đại diện của Đạm Cà Mau cho biết thêm, trong mô hình này, công ty đã hỗ trợ hoàn toàn kinh phí phân bón cho bà con nông dân. “Từ mô hình giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến ở Sóc Trăng, Đạm Cà Mau sẽ cùng với các địa phương, Viện lúa ĐBSCL, hợp tác xã và nông dân sẽ nhìn lại những cách làm hay, phù hợp với từng địa phương, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, đem đến cho nông dân những cách sản xuất lúa mới”, đại diện Đạm Cà Mau chia sẻ.