Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ cho biết, hiện nay làng có khoảng 4.000 lao động, với hơn 900 hộ hội viên. Trước đây, nghề rèn cơ khí chỉ là nghề phụ sau sản xuất nông nghiệp. Từ sau năm 2005, do ảnh hưởng bởi đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp phục vụ cho các dự án, nhiều gia đình không còn đất canh tác, việc làm không có, nghề rèn đã trở thành “cứu cánh” cho những lao động nông nhàn, không có bằng cấp. Nghề này đang đem lại nguồn thu nhập ổn định, bình quân mỗi hộ khoảng 8 -10 triệu đồng/tháng, hộ nào có búa máy thu nhập lên tới 15-20 triệu/tháng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và mở rộng hoạt động của làng nghề thì vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Trước thực trạng trên, năm 2014, ECC Hà Nội đã lựa chọn cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Huệ để xây dựng mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn. Sau khi khảo sát và đánh giá, đội ngũ cán bộ tư vấn đã đưa ra phương án đầu tư đổi mới công nghệ và cải tạo nhà xưởng nhằm tận dụng được ánh sáng tự nhiên và không gian sản xuất đảm bảo an toàn lao động. Tổng mức đầu tư của dự án là 380 triệu đồng, trong đó, 80 triệu đồng cho cải tạo nhà xưởng và 300 triệu cho máy móc, thiết bị (máy cắt phôi và búa máy). Ngân sách từ UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư cho đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị.
Theo ông Hoàng Minh Lâm, Phó Giám đốc ECC Hà Nội, đối với hạng mục cải tạo nhà xưởng, chúng tôi bố trí lại các hệ thống thiết bị, loại bỏ các thiết bị và vật dụng không cần thiết. Cải tạo lại hệ thống mái che, thay thế dần các bóng sợi đốt loại 100W bằng các bóng compact tiết kiệm điện loại 55W. Đồng thời, đầu tư mới hệ thống máy cắt phôi hiệu suất cao để thay thế máy cắt phôi bằng tay sử dụng sức lao động của con người để định hình sản phẩm. Nhờ đó, năng suất lao động được nâng lên, tối đa cắt được 1.200 phôi/giờ. Còn đối với hạng mục đầu tư hệ thống búa máy thay thế rèn thủ công, năng suất rèn đã đạt 600 phôi/giờ. Với hai hạng mục đầu tư thiết bị đã giúp cơ sở gia công được đa dạng các sản phẩm, chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định; giảm nhân công; giảm thiểu việc ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ cơ sở sản xuất cho biết, dự tính năm đầu tiên đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh phát huy được 50% công suất thiết kế, năm thứ 2 là 70% và từ năm thứ 3 trở đi được 100% công suất thiết kế.
Với thị trường tiêu thụ sẵn có, hiện sản lượng của cơ sở sản xuất đạt khoảng 50 tấn sản phẩm/năm, tổng doanh thu hàng năm đạt 1,685 tỷ đồng. Cũng theo bà Huệ, thông qua việc cải tạo nhà xưởng, đầu tư công nghệ, môi trường cơ sở sản xuất đã được cải thiện. Việc áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn tại cơ sở đã làm tăng hiệu quả của việc sử dụng nguyên liệu, năng lượng, cải thiện môi trường làm việc, giảm lượng chất thải ra môi trường. Còn đối với công nhân lao động trực tiếp, giải pháp không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện sức khỏe người lao động do giảm các công đoạn thủ công. Chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, tỷ lệ sản phẩm lỗi hỏng hầu như không có, giúp cơ sở sản xuất giữ vững uy tín trên thị trường./.
Hà Nội hiện có 225 làng nghề với 6 loại hình sản xuất khác nhau (chủ yếu tập trung ở tỉnh Hà Tây trước đây). Nghiên cứu tại các làng nghề ở Hà Nội cho thấy, người dân ở đây thường bị nhiễm bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da… môi trường sống bị suy thoái và ảnh hưởng nghiêm trọng. |