Xây dựng ngành công nghiệp hóa dược trở thành mũi nhọn
Tin hoạt động 06/01/2020 20:16
Sản phẩm hóa dược có hàm lượng khoa học và giá trị cao
Tại Hội thảo “Xây dựng khung hoạt động và định hướng chương trình hóa dược giai đoạn sau năm 2020” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) kiêm Phó trưởng ban điều hành liên ngành Chương trình Hóa dược khẳng định: Sau gần 11 năm triển khai hoạt động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Hóa dược đã đạt được một số kết quả khả quan, thay vì xuất khẩu các sản phẩm thô, từ kết quả của các đề tài, dự án đã chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm hóa dược có hàm lượng khoa học và giá trị cao, góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng, giảm chi phí, nâng cao niềm tin của người dân với thuốc sản xuất trong nước, đặc biệt thuốc từ dược liệu, phù hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An -Trưởng ban điều hành liên ngành Chương trình Hóa dược phát biểu tại hội thảo. |
Trong giai đoạn thực hiện từ 2008 đến nay, Chương trình đã triển khai 25 dự án sản xuất thử nghiệm, tạo ra 11 loại sản phẩm lưu thông trên thị trường như: Viên nang mềm Cebraton, Chế phẩm Andiabet, Genk, Tanu, Rutin từ hoa hòe, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ cây gừng gió, Glucomannan, thuốc an thần Asakoya, Chế phẩm Bioglucumin –C…. Trong đó có nhiều sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế rõ ràng, trở thành mặt hàng chủ lực cho các đơn vị chủ trì dự án như của Công ty CP Traphaco, doanh thu từ sản phẩm của Dự án sản xuất thử nghiệm đạt 300 tỷ đồng, sản phẩm Genk (Fucoidan sulfat hóa) của Viện Nghiên cứu ứng dụng Nha Trang thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đạt doanh thu 50 tỷ đồng, sản phẩm Asakoya của Công ty dược Mediplantex đạt doanh thu 15 tỷ đồng; sản phẩm rutin của Công ty cổ phần dược vật tư y tế Khải Hà đạt doanh thu 15 tỷ đồng; sản phẩm Glucomanan của Công ty dược phẩm Trường Thọ đạt doanh thu 25 tỷ đồng;...
Bên cạnh đó, Ban Điều hành liên ngành Chương trình hóa dược đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Văn phòng Hóa dược thực hiện, bám sát các mục tiêu của Quyết định 61/2007/QĐ-TTg và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó nổi bật là 25 dự án sản xuất thử nghiệm với hơn 11 sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng; đạt doanh thu hằng năm 400 tỷ đồng; 9 bằng sáng chế; 8 giải pháp kỹ thuật hữu ích, 57 đăng ký bằng sáng chế đã được chấp nhận đơn; 38 bài báo quốc tế, 248 bài báo đăng tại các tạp chí có uy tín trong nước; hoàn thiện hơn 175 quy trình công nghệ liên quan đến hoá dược. Chương trình còn đào tạo hơn 36 Tiến sỹ, 91 thạc sỹ, 51 cử nhân trình độ đại học, 186 cán bộ kỹ thuật hóa dược.
Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu cơ bản, tuy nhiên nhiều quy trình công nghệ còn ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa thể áp dụng trong sản xuất thử nghiệm và thực tế công nghiệp do hạn hẹp về nguồn tài chính và một số quy định khác như đã nêu trên, cần phải có những biện pháp cần thiết để các quy trình công nghệ là kết quả của Chương trình Hóa dược và các nhiệm vụ khoa học công nghệ khác có thể triển khai ở quy mô lớn hơn với giá thành cạnh tranh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco cho rằng, phát triển khoa học công nghệ trong hóa dược, doanh nghiệp đã có nhiều sản phẩm bào chế mới đưa ra thị trường và hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, trong triển khai thực tiễn, đặc biệt là cơ chế tài chính để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ còn phức tạp, chưa tương thích với tài chính của doanh nghiệp. “Traphaco năm nào cũng phải có kiểm toán, nên chính sách tài chính hỗ trợ khoa học công nghệ trong hóa dược rất khó để tích hợp với chính sách tài chính của doanh nghiệp. Trong chính sách, chủ trương là các sản phẩm khoa học công nghệ được miễn giảm thuế, nhưng thực tế có những sản phẩm, đề tài khoa học công nghệ, tích hợp để hưởng ưu đãi là rất khó, rất mong Ban Hóa dược hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Huy Văn nói.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hóa dược
Việc phát triển công nghiệp hoá dược cần một chiến lược dài hơi, do vậy, trong thời gian tới, Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển hoá dược cần tiếp tục được thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. “Nếu không tiếp tục thực hiện chương trình rất lãng phí, cụ thể nếu có nguồn lực triển khai phát triển khoa học công nghệ hóa dược thì rất tốt. Tiến tới ngành công nghiệp hóa dược trở thành mũi nhọn cần phải có cơ chế chính sách Nhà nước tạo cú hích nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hóa dược”- ông Nguyễn Văn Thanh bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) báo cáo tại hội thảo. |
Theo đó, Ban chỉ đạo Chương trình Hóa dược đã “Xây dựng xây dựng khung hoạt động và định hướng chương trình hóa dược giai đoạn sau năm 2020”. Có ít nhất 30 sản phẩm là nguyên liệu hóa dược, thuốc, thực phẩm chức năng, tá dược từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, dược liệu, công nghệ sinh học, tổng hợp hữu cơ từ kết quả nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm của Chương trình Hóa dược đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược giai đoạn tiếp theo sau năm 2020; Triển khai các chính sách, cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, triển khai ứng dụng các sản phẩm của Chương trình Hóa dược; Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan.
Cụ thể, xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ trong việc phát triển ngành hóa dược giữa các cơ quan quản lý: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương,.....giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất, coi trọng vai trò của các nhà sản xuất, làm cầu nối và đặt hàng trong mối liên kết 4 nhà. Nếu liên kết tốt '4 nhà' kết hợp với tập trung trọng điểm, không dàn trải thì sẽ giải quyết được những khó khăn mà doanh nghiệp hóa dược đang gặp phải.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - Trưởng ban điều hành liên ngành Chương trình Hóa dược nhấn mạnh, trải qua gần 11 năm triển khai chương trình hóa dược, sản phẩm hóa dược đã trở thành quy trình công nghệ, sản phẩm bán được toàn quốc, ứng dụng đưa vào sản xuất, có hiệu quả kinh tế. “Rõ ràng kết quả những đề tài hóa dược nếu tiếp tục triển khai sẽ phát huy hiệu quả, nhưng thực chất đây mới chỉ là bước đầu. Nhiều sản phẩm đã sản xuất, nhưng quy trình vẫn còn nhỏ lẻ, sản phẩm có tiêu chuẩn ổn định không phải lúc nào cũng làm được. Thời gian tới chúng ta vẫn còn nhiều không gian triển khai tiếp, trong khi đó nhu cầu xã hội liên quan đến hóa dược rất lớn”- Thứ trưởng nhận định
Thứ trưởng nêu quan điểm, với chương trình này, chúng ta có làm tiếp hay không, cụ thể làm như thế nào, cần xây dựng một khung nội dung định hướng cho chương trình hóa dược quốc gia báo cáo Thủ tướng, trên cơ sở đó chúng ta phải làm rõ được mục đích triển khai không thể chung chung. Phải có ý kiến từ cơ quan Nhà nước, trưng cầu ý kiến cộng đồng các nhà khoa học, doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ.
“Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống về nguyên liệu dược liệu, làm thế nào biến nguồn nguyên liệu trở thành sức mạnh kinh tế, rõ ràng muốn làm được điều này phải có cú hích của Nhà nước. Chương trình nghiên cứu hóa dược phải là cầu nối để phát triển ngành công nghiệp hóa dược”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhằm thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Điều hành liên ngành đang xây dựng khung hoạt động và định hướng Chương trình Hóa dược sau năm 2020, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. |