Xây dựng NTM xã Phù Đổng: Khó ở tiêu chí môi trường
Phù Đổng sẽ có vùng chăn nuôi tập trung để giải bài toán môi trường Ảnh: C.D |
Hoàn thành 16/19 tiêu chí
Trước khi xây dựng thí điểm mô hình NTM vào năm 2011, xã đã có 7/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM.
Ông Trần Xuân Tĩnh chia sẻ, ngay từ những ngày đầu, Đảng ủy, HĐND xã đã tổ chức hội nghị dân chính đảng, quán triệt các kế hoạch, chỉ thị của Đảng về xây dựng NTM, phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” tại xã và thôn. Cách làm dân chủ này đã giúp người dân hiểu và nhiệt tình hưởng ứng, chung tay đóng góp ngày công lao động và kinh phí xây dựng các công trình giao thông, tạo diện mạo mới cho địa phương.
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, xã Phù Đổng đã cơ bản hoàn thành 16/19 tiêu chí NTM, chỉ còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành, gồm: Môi trường, văn hóa và chợ. Tổng nguồn vốn đã huy động đến thời điểm hiện tại đạt gần 42 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương và thành phố: 6 tỷ đồng; ngân sách huyện: 24 tỷ đồng; ngân sách xã: 1,7 tỷ đồng; các nguồn xã hội hóa: 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng: Tiêu chí vệ sinh môi trường thực sự là bài toán không dễ giải đối với Phù Đổng khi mà tập quán chăn nuôi của các hộ dân ở đây vẫn là hộ gia đình; ý thức của nhiều hộ dân chưa được nâng lên, tình trạng đổ chất thải bừa bãi còn khá nhiều, các biện pháp xử lý còn thiếu kiên quyết. |
Môi trường - bài toán khó giải
Ông Tĩnh cho hay, trong 3 tiêu chí còn lại, tiêu chí môi trường là khó đạt được. Hiện toàn xã có xấp xỉ 700 hộ nuôi bò sữa, với tổng đàn 1.800 con, phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô mỗi hộ từ 2 - 5 con. Thời gian qua, Phù Đổng đã quyết định giải bài toán môi trường chăn nuôi bằng biện pháp kinh tế, đó là thay việc vận chuyển chất thải từ chăn nuôi đến các điểm chôn lấp tập trung bằng việc vận động các hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn xây bể khí sinh học biogas, biến chất thải gây ô nhiễm môi trường thành chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ngoài nguồn kinh phí do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ từ những năm trước, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ đầu tư thêm kinh phí…
Hiện xã đã có gần 60% tổng số hộ chăn nuôi xây bể biogas xử lý triệt để chất thải từ chăn nuôi lợn và nuôi bò sữa. Năm 2012, xã dành 750 m2 đất ngoài đê thuộc xóm Từa (nơi bức xúc nhất về vệ sinh môi trường) để thực hiện mô hình nuôi giun quế. Theo đó, toàn bộ lượng phế thải từ chăn nuôi bò sữa ở xóm Từa được vận chuyển ra khu nuôi giun quế. Tuy nhiên, giải pháp trên cũng chỉ giải quyết được một phần, trên địa bàn xã vẫn còn những điểm bức xúc khác chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Theo quy hoạch, sẽ có vùng chăn nuôi tập trung để giải quyết bài toán môi trường. Nhưng điều này khó thực hiện do cần nguồn vốn khá lớn và việc vận động nhân dân đưa bò sữa vào chăn nuôi tập trung không dễ vì đó là tài sản lớn của họ.