Các tiêu chuẩn an toàn cho ngành da - giày góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp
Việt Nam tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác cũng như việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày. Tuy nhiên, cùng với các mặt hàng xuất khẩu (XK) khác, ngành da giày cũng đang phải chịu nhiều áp lực khi các quốc gia, khu vực nhập khẩu (NK) lớn đặt ra các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) khá khắt khe. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tăng tính chủ động, cần nhiều sự hỗ trợ để vượt qua hàng rào này.
Để vượt qua TBT, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), các DN XK lớn hay DN FDI đều xây dựng được những tiêu chuẩn chung, có hệ thống kiểm soát chặt chẽ đáp ứng đúng với TBT. Còn DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, còn thiếu thông tin về vấn đề này, họ chưa tự nỗ lực và chưa được hỗ trợ đầy đủ để thực hiện tốt việc vượt qua TBT. Hơn nữa, khách hàng của họ là những đơn hàng vãng lai, không thường xuyên hoặc tự làm, tự XK nên việc đáp ứng gặp nhiều trở ngại hơn. Trong khi ngành da giày chưa xây dựng hệ thống tiêu chuẩn an toàn riêng về hóa chất tồn dư trong sản phẩm, thiếu các trung tâm kiểm định đủ tiêu chuẩn nên rất khó kiểm soát chất lượng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào. Vấn đề này buộc DN phải tự gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm mất nhiều thời gian, chi phí...
Nhằm thực thi Hiệp định TBT giai đoạn 2011 – 2015, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Da giày Việt Nam do Thạc sĩ Phan Thị Thanh Xuân làm chủ nhiệm tiến hành nghiên cứu các tiêu chuẩn an toàn cho nguyên vật liệu, sản phẩm của ngành da giày sản xuất, tiêu thụ trong nước và đề xuất lộ trình xây dựng, áp dụng tại Việt Nam.
Sau một năm thực hiện, các nhà khoa học đã hoàn thành báo cáo phân tích đánh giá hệ thống tiêu chuẩn hiện hành; xây dựng lộ trình và áp dụng tiêu chuẩn an toàn cho nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ tại Việt Nam nói chung và sản phẩm của ngành da giày nói riêng.
Việc xây dựng các tiêu chuẩn an toàn cho nguyên vật liệu, sản phẩm là rất quan trọng đối với ngành da giày Việt Nam. Đồng thời, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh và XK của DN. Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn an toàn chất lượng sẽ giúp DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, có đủ khả năng thâm nhập vào các thị trường XK tiềm năng.
Lefaso được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ thành lập dự án Hỗ trợ DN, đáp ứng quy định an toàn sản phẩm, thực hiện hoạt động đào tạo, tuyên truyền kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật các DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, thành lập 3 Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ DN và xây dựng mạng lưới phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cả hai miền Nam Bắc. |