Hệ sinh thái giáo dục vnEdu 4.0 VNPT - chìa khóa hiện đại hóa ngành giáo dục
|
Xếp hạng đại học hiện đang là một trào lưu lan rộng trên khắp toàn cầu và đã thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà quản lý giáo dục đại học, nhà nghiên cứu giáo dục, mà còn của toàn xã hội, trong đó có cả giới lãnh đạo.
Xếp hạng đại học là xác định vị trí một trường đại học trong hệ thống các trường đại học ở phạm vi quốc gia, phạm vi khu vực hay phạm vi toàn cầu. Thông qua công tác kiểm định chất lượng, xếp hạng, các trường đại học tiến tới hoàn thiện công tác quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút ngày càng nhiều người học hơn.
Bảng xếp hạng đại học thế giới QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới. Ảnh: QS University Rankings |
Một quốc gia khi có nhiều trường kiểm định quốc tế, thì uy tín của hệ thống giáo dục đại học của quốc gia đó càng được nâng cao, có vị thế trong khu vực và thế giới. Vị trí của các trường đại học trên các bảng xếp hạng có quy mô và ảnh hưởng rộng lớn được xem là bộ mặt chất lượng giáo dục quốc gia, điều này vô hình chung đã khiến các vị lãnh đạo trường đại học bị áp lực trước việc xếp loại, thậm chí đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề khi trường của mình bị xếp hạng thấp hơn so với mong đợi. Chính vì vậy, “cuộc chơi” xếp hạng đại học diễn ra rất sôi động và thu hút sự quan tâm của dư luận cả tích cực lẫn tiêu cực.
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều tổ chức uy tín chuyên về kiểm định, đánh giá các hoạt động giáo dục ở cấp khu vực và quốc tế, trong đó phải kể đến tổ chức QS (Quacquarelli Symonds, Vương Quốc Anh).
Xếp hạng đại học là xác định vị trí một trường đại học trong hệ thống các trường đại học ở phạm vi quốc gia, phạm vi khu vực hay phạm vi toàn cầu. Ảnh: TeachHUB |
Tổng quan về Bảng xếp hạng QS
Bảng xếp hạng đại học thế giới QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới. QS là tổ chức xếp hạng đại học thường niên cho các cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới. Ban đầu, hệ thống xếp hạng của THE-QS là sự hợp tác giữa Tạp chí THE (Times Higher Education) và QS (Quacquarelli Symonds). Hệ thống này tồn tại từ năm 2004 đến năm 2009 dưới tên gọi đầu tiên là THES, sau đó đổi thành THE-QS. Đến năm 2009, THE không tiếp tục hợp tác với QS và tách riêng ra. QS sau đó tiếp tục sử dụng bảng xếp hạng này và đổi thành QS World University Ranking (WUR) và tiếp tục bổ sung các bảng xếp hạng theo khu vực như Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á (QS AUR); bảng xếp hạng thế giới theo lĩnh vực (QS WUR by Subject); Bảng xếp hạng các trường đại học trẻ QS Top 50 under 50.
Mỗi năm QS tổ chức trên 200 hội nghị, triển lãm giáo dục đại học với sự tham gia của hơn 1.000 trường đại học trên khắp các châu lục.
Hệ thống xếp hạng QS World tập trung vào bốn khía cạnh: (1) Chất lượng nghiên cứu; (2) Chất lượng giảng dạy; (3) Chất lượng sinh viên tốt nghiệp; (4) Khả năng quốc tế hóa của các trường đại học trên thế giới. Cụ thể, tỷ lệ đánh giá: danh tiếng học thuật (40%), danh tiếng người sử dụng lao động (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), số trích dẫn khoa học trên mỗi giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).
Các tiêu chí và trọng số của bảng xếp hạng QS World dựa vào cả đánh giá từ bên ngoài lẫn bên trong của trường đại học, bao gồm kết quả khảo sát đánh giá đồng cấp về học thuật (academic peer-review) và khảo sát nhà tuyển dụng, tỉ lệ sinh viên/giảng viên, số lượng bài báo được trích dẫn, số lượng sinh viên và giảng viên quốc tế.
Trường ĐH Văn Lang được xếp 4 sao bởi QS. Ảnh: Trường ĐH Văn Lang. |
Phương pháp xếp hạng QS World kết hợp các tiêu chí cứng và mềm, trong đó tiêu chí cứng chiếm 66,67% và tiêu chí mềm chiếm 33,33%.
Nguồn dữ liệu thu thập chủ yếu để phân tích của phương pháp QS World gồm: Số liệu điều tra, khảo sát xã hội; cơ sở dữ liệu của bên thứ 3 và dữ liệu do chính các trường đại học cung cấp. Trong bảng xếp hạng đại học QS, các trường đại học cung cấp dữ liệu cho các tiêu chí chiếm tỉ lệ khá cao tương đương 50%.
Đối với khu vực châu Á có Bảng xếp hạng QS châu Á, đánh giá dựa trên 9 tiêu chí: Uy tín học thuật (30%); Uy tín của trường đại học thông qua nhà tuyển dụng (10%); Tỉ lệ giảng viên/sinh viên (20%); Trích dẫn bài báo khoa học(15%); Số lượng bài báo khoa học trên mỗi giảng viên (15%); Tỉ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); Tỉ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); Tỉ lệ sinh viên trao đổi trong nước (2,5%); và Tỉ lệ trao đổi sinh viên ra nước ngoài (2,5%). Những thông tin sử dụng trong QS châu Á đa phần là những thông tin trong QS World, nhưng có một vài thay đổi và điều chỉnh sao cho phù hợp với đặc điểm hệ thống giáo dục châu Á.
Bên cạnh bảng xếp hạng tổng thể nói trên, QS còn có hệ thống đánh giá khác nhằm mô tả bức tranh rộng hơn, từ khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp đến chất lượng công trình thể thao. Xét hơn 50 chỉ tiêu, QS gắn từ 1 đến 5 sao cho các trường trên 8 lĩnh vực. Trong đó tiêu chuẩn 1 sao (từ 100 - dưới 250 điểm); 2 sao (từ 250 - dưới 400 điểm); 3 sao (từ đạt 400 - dưới 550 điểm); 4 sao (từ 550 - dưới 700 điểm); 5 sao (từ 700 - dưới 900 điểm) và 5 sao+ (từ 900 - 1000 điểm).
Hàng loại trường đại học Việt Nam tham gia “cuộc chơi” xếp hạng - một xu thế tất yếu hay chỉ là hình thức gây lãng phí
Hiện nay, Việt Nam có 12 trường đại học, chủ yếu là trường tư thục, tham gia đánh giá, gắn sao bởi QS. Hầu hết các trường đều được gắn 4 sao, riêng trường ĐH Anh Quốc Việt Nam được gắn 5 sao - mức sao cao nhất. Đáng chú ý, chỉ trong hai tháng cuối năm 2021, liên tục nhiều trường được gắn 4, 5 sao: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Văn Lang. Đến năm 2022 có thêm Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, Trường ĐH Vin, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Liệu rằng việc được QS “gắn sao” có giúp các trường nâng cao chất lượng dạy và học? Ảnh minh họa. Nguồn: Toigingiuvedep.vn. |
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc đánh giá và xếp hạng theo các tiêu chí quốc tế sẽ góp phần cung cấp một bức tranh toàn diện về ưu điểm, hạn chế của một trường đại học trong mỗi lĩnh vực cụ thể. Thông qua đó, trường đại học tiếp tục duy trì những điểm mạnh và cải tiến những điểm chưa toàn diện. Ở đó, hệ thống đánh giá QS giúp cho sinh viên, phụ huynh và những người quan tâm giáo dục có thể tìm kiếm và quyết định dễ dàng hơn khi lựa chọn chương trình học, trường học. Ngoài ra, QS còn cung cấp cơ hội cho các trường được công nhận quốc tế. Đây là mục tiêu mà nhiều trường hướng đến nhằm liên tục cải tiến và đổi mới trong các hoạt động của mình.
Việc xếp hạng đại học đã trở thành một đòi hỏi tất yếu trong việc đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học các trường đại học một cách công khai và khách quan. Nhất là trong bối cảnh các trường đại học Việt Nam cũng đang tham gia Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á (Asean University Network - AUN). Xếp hạng đại học và công khai kết quả xếp hạng đại học để xã hội biết là một việc làm có ý nghĩa, bởi lẽ việc công khai kết quả xếp hạng đại học để hiểu được “chất lượng” thực sự của các trường đại học.
Với việc nhiều trường đại học Việt Nam hiện diện trong bảng xếp hạng QS là điểm tích cực, nếu như biết sử dụng các tiêu chí của hệ thống xếp hạng này để phân tích điểm mạnh, điểm yếu của trường mình, sau đó tăng cường đầu tư và có kế hoạch cải thiện, khắc phục những điểm yếu của trường mình, qua đó các trường đại học sẽ biết mình đang đứng ở đâu trong khu vực, từ đó xác lập phương hướng, lộ trình phát triển, nhanh chóng khắc phục tình trạng tụt hậu hiện nay so các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, cách thức xếp loại của QS mang nặng tính chủ quan, do đó thiếu tính khoa học. Việc đánh giá gắn sao hoàn toàn dựa vào hồ sơ, số liệu do các trường gửi cho tổ chức này, không có sự khảo sát đánh giá trực tiếp. Hơn nữa, việc đánh giá, xếp loại theo bảng xếp hạng QS không đem lại nhiều giá trị thực tế, tốn kém và lãng phí.
Để được nhận thứ hạng cao, các trường đại học sẽ lại tiếp tục mắc căn bệnh của ngành giáo dục là “bệnh thành tích”. Được có thứ hạng trong bảng xếp hạng QS đang là hình thức “đánh bóng” để cạnh tranh tuyển sinh. Điều này khiến nhiều trường đại học Việt Nam có nguy cơ bị cuốn vào 3 “vòng xoáy” nguy hiểm: Công bố quốc tế (bài báo khoa học); Kiểm định quốc tế Chương trình đào tạo; và “Gắn sao đại học” (kiểm định trường học). Hầu hết chúng đều tốn kém chi phí rất nhiều, phần lớn là từ học phí của sinh viên. Các trường chỉ “đánh bóng” vẻ bề ngoài, thực lực thì không tương xứng.
Xuất phát từ việc tự chuẩn bị hồ sơ, gửi số liệu tham gia đánh giá tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng liêm chính khoa học. Ở đó, các trường đại học ngụy tạo thành tích nghiên cứu, công bố những nghiên cứu “dởm” để có xếp hạng cao. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ “bắt tay” và “mua - bán” trong xếp hạng, hay chỉ chú trọng vào công bố khoa học và xem nhẹ công tác đào tạo.
Nhiều quan điểm cho rằng, tổ chức QS hoạt động với mục đích thương mại và kiếm tiền với việc tích cực quảng bá, mời chào các đơn vị tham gia các giải thưởng, xếp hàng, gắn sao. Tất cả đều phải trả tiền. Có trường đại học để được lên thứ hạng đã phải chi một khoản tài chính lớn để có thể thay đổi dữ liệu trong yêu cầu lên hạng của các trường, và cuối cùng dẫn đến những khoản nợ lớn.
Ý kiến khác thì cho rằng, các nước có nền giáo dục đại học phát triển, số lượng các trường tham gia gắn sao đếm trên đầu ngón tay. Do đó, các trường đại học Việt Nam không cần thiết phải gắn sao hay xếp thứ hạng. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam đã có những quy định, thông tư quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, do đó việc gắn những “sao quốc tế” là hình thức “sính ngoại”, “lai căng” và không cần thiết./.