CôngThương - Trước thực tế này, thị trường xi măng được dự báo sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp xi măng đang tích cực tìm thị trường để xuất khẩu…
Hiện Bộ Xây dựng đang tập trung đẩy mạnh kích cầu xi măng với các nội dung: đưa xi măng vào các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, chương trình vật liệu không nung... Cùng với việc tiêu thụ trong nước, Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa. So với nhóm hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, thủy sản…, xi măng là mặt hàng không dễ xuất khẩu, nhưng nếu DN nắm bắt được đúng nhu cầu của thị trường, linh hoạt trong cơ chế, thì con đường xuất khẩu không phải là không có triển vọng. Cụ thể, trong năm 2010, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả đã xuất được lô hàng thứ 2 sang thị trường Trung Đông cho đối tác là Công ty Peakward Enterprises (Holding) Ltd. Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty cho biết, công ty đang tiếp tục tìm kiếm đối tác tại một số thị trường quen thuộc như Campuchia, Lào.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Xi măng Vinakansai (Ninh Bình) cũng đã xuất khẩu gần 100.000 tấn clinker sang thị trường khó tính nhất châu Á là Singapore và 70.000 tấn clinker sang Ấn Độ. Sau đó, công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker sang Bangladesh, với khối lượng 100.000 tấn/tháng, bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2010.
Gần đây nhất, ngày 28/1/2011, tại Quảng Ninh, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long đã xuất khẩu lô hàng 25.000 tấn xi măng đầu tiên trong hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn sang thị trường Châu Phi. Đây là lô hàng xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay của một nhà máy xi măng Việt Nam. Lô hàng 25.000 tấn xi măng còn lại sẽ xuất trong tháng 2/2011. Được biết trong năm 2011 này, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long dự kiến sẽ xuất khẩu 300 nghìn tấn xi măng bao và 200.000 tấn xi măng rời sang thị trường các nước Singapore, Brunei, thị trường châu Phi, châu Mỹ và Trung Đông… Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho xi măng Thăng Long và ngành xi măng của Việt Nam trong đầu năm 2011.
Tuy nhiên, lượng xi măng xuất khẩu như trên chưa thấm vào đâu so với năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu xi măng không hề đơn giản, bởi lẽ những thị trường nhập khẩu xi măng lớn đòi hỏi rất khắt khe không chỉ về chất lượng mà còn nhiều yếu tố khác như dây chuyền công nghệ, việc bảo vệ môi trường nơi sản xuất; nhà máy phải có công suất lớn và đặc biệt là khả năng tập kết hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn..., điều mà không có nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam đáp ứng được. Thêm vào đó, nhiều khó khăn khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu. Theo ông Lê Văn Chung- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), lượng xi măng tăng cao, phân bố không đồng đều, đặc biệt mức độ cạnh tranh tập trung tại miền Bắc (cung vượt cầu khoảng 10 triệu tấn/năm), trong khi miền Nam lại thiếu xi măng, vì vậy, việc xuất khẩu cũng phải tính đến yếu tố vùng.
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp xi măng thế giới chấp nhận một thực tế là một nhà máy chỉ có thể sản xuất- kinh doanh có hiệu quả trong bán kính tiêu thụ khoảng 300 km đường bộ vì vận chuyển hàng đi xa với mặt hàng có tỷ trọng lớn mà giá trị thấp như xi măng sẽ phải chịu mức cước lớn. Vì thế xuất khẩu hiện tại của các doanh nghiệp xi măng tại Việt Nam vẫn chủ yếu bằng đường bộ (trừ những đơn hàng lớn như xi măng Thăng Long, xi măng Vinakansai) qua Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhưng thị trường Lào rất nhỏ, nhu cầu ít, hơn nữa thuế nhập khẩu xi măng vào nước này ngày càng tăng. Campuchia có hai nhà máy và nhu cầu nhập không đáng kể, hơn nữa lại thường nhập từ Thái Lan, trong khi Trung Quốc là cường quốc xuất khẩu xi măng, nên khó chen chân vào được.
Việc tìm kiếm những đơn hàng lớn, xuất khẩu qua đường biển… rõ ràng là thách thức không nhỏ! Do đó, để xuất khẩu thành công, các công ty xi măng cần nghiên cứu kỹ thị trường, điều chỉnh cơ chế một cách linh hoạt từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu thụ, vận chuyển, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường ngoài các thị trường Lào và Campuchia.