Năm 2022: Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng Năm 2022: Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng hơn 10 lần, lên mức 409 tỷ USD |
Kiên cường "vượt bão"
Sau cơn “bạo bệnh” vì dịch COVID-19 hoành hành, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn đến từ cả trong và ngoài nước. Với độ mở cao, Việt Nam đã “nhập khẩu” lạm phát từ các nền kinh tế thế giới do chiến tranh và những bất ổn của các cường quốc mang lại.
Vượt qua khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2022 đã có nhiều thành tựu |
Giống như một người đang ốm lại thêm trúng gió, những gì nền kinh tế phải chịu đựng là quá khó khăn: Chứng khoán lao dốc sau khi tăng nóng, niềm tin trên thị trường tài chính bị giảm sút do tác động từ những thông tin tiêu cực từ thị trường mới nổi như trái phiếu doanh nghiệp và những vụ án liên quan đến ngành ngân hàng, tài chính. Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, đẩy mặt bằng giá lên mức cao mới khiến cho lạm phát tăng vọt. Ở Mỹ, giá đồng USD cũng chưa bao giờ được điều chỉnh cao như năm 2022, kéo giá USD trong nước cũng tăng cao kỷ lục…
Khó khăn chồng chất khó khăn, thế nhưng, với tinh thần kiên cường chống trụ, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế kế hoạch đặt ra, với tăng trưởng GDP khoảng 8%. Bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2022 ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt cả năm 2021, thặng dư thương mại đạt 10,6 tỷ USD; giải ngân vốn FDI đạt 19,68 tỷ USD cao nhất 5 năm qua; thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng tới 33,2%…
“Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết lĩnh vực, địa phương. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%... Ba lý do chính để chúng ta đạt được thành tựu này đó là Việt Nam kịp thời chuyển trạng thái chống dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường; kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; và cuối cùng, các chỉ số tăng trưởng trên được đặt trong tương quan với mức nền khá thấp của năm trước”, TS Cấn Văn Lực phân tích.
Nhiều tổ chức dự báo khả quan về kinh tế Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo mới nhất đều có những đánh giá lạc quan, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 từ 7% lên 7,5% GDP, cao hơn 1 điểm % so với dự báo của 3 tháng trước. Moody’s vào tháng 9/2022 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định (chỉ kém mức đầu tư một bậc). Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB và triển vọng tích cực. Ngân hàng Standard Chartered vừa qua cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023. Lạm phát sẽ tăng dần và đạt 5,5% trong năm 2023. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030…
2023: Điều gì chờ đợi?
Dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi mạnh mẽ nhưng dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”, trong khi tâm lý chủ quan đang lan rộng và công tác phòng, chống dịch và năng lực y tế dự phòng còn không ít hạn chế. Đặc biệt là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đang đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương Hoa Kỳ và châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam). Hơn nữa, trong bối cảnh chung, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 được nhận định tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn, lạm phát cao...
“Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gần đây, tôi thường được hỏi “tình hình có vẻ khó khăn nhỉ?”. Các diễn đàn kinh tế lúc này cũng bàn nhiều về thách thức trước mắt và năm tới. Báo cáo của IMF tháng 10/2022 nhấn mạnh nhiều "cơn gió nghịch" với kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ở kỳ họp vừa qua, nhiều lần từ "khó khăn" được lặp lại. Những cụm từ khác tôi thường nghe gần đây, khi nói đến bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước, là "suy thoái", "niềm tin lung lay"… Trong khi nhiều báo cáo khác của các cơ quan, tổ chức nhận định kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng của khu vực và thế giới, được nâng hạng tín nhiệm, được quan tâm tìm đến như một địa chỉ đầu tư, du lịch và sinh sống sau đại dịch. Điều này đặt ra yêu cầu đánh giá đầy đủ và đa chiều bối cảnh thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng”, TS Cấn Văn Lực cho biết. Theo vị chuyên gia này, năm tới, vẫn còn nhiều cơn gió thuận - nghịch từ bên ngoài cũng như nội tại, tác động tới kinh tế Việt Nam. Với mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5%, cùng các mục tiêu khác, nếu không quyết liệt và khôn khéo trong điều hành sẽ là thách thức rất lớn.
Cùng quan điểm, khi dự báo về nền kinh tế năm 2023, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, sơ bộ đánh giá cho thấy, năm 2023 là năm dự kiến có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp Việt càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để thực sự phát triển.
Góp ý trực tiếp cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng năm 2023 tình hình vĩ mô sẽ có thuận lợi và khó khăn đan xen. Vừa rồi Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5%/năm cho giai đoạn tới là tín hiệu mừng, có nghĩa là Chính phủ sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng phải đảm bảo thúc đẩy đất nước phát triển. “Tôi nghĩ thời gian tới doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực cần phải tập trung vào kinh doanh cốt lõi, xem lại danh mục đầu tư xem lĩnh vực nào tạo ra dòng tiền, tạo ra thanh khoản. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng suất lao động của người lao động. Tôi nghĩ các doanh nghiệp trước tiên phải rất năng động tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn giai đoạn này. Người ta nói “cái khó ló cái khôn”, chúng ta không nên nhìn thị trường màu tối mà từ khó khăn nó có thể tạo ra cơ hội mới”, ông Hà nói.
Cũng chia sẻ về bức tranh kinh tế năm 2023, TS Trần Hoàng Ngân nhận định: “Thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nắm bắt tình hình, phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, dự báo tốt và tiếp cận với thị trường quốc tế để có giải pháp ứng phó phù hợp. Năm 2023, Việt Nam hướng tới mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.