Xuất khẩu cà phê cần tuân thủ quy định của EU về phát triển bền vững
Thống kê của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam(MXV), kết thúc tuần giao dịch 28/8-3/9, trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tăng gần 2%, lên giao dịch tại mức 2.484 USD/tấn. Tồn kho trên Sở giao dịch hàng hoá Liên lục địa (ICE) ở mức thấp từng được ghi nhận trong lịch sử, kết hợp cùng hoạt động xuất khẩu cà phê ở mức thấp tại các quốc gia cung ứng hàng đầu Châu Á, khiến thị trường lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung.
Giá xuất khẩu cà phê duy trì đà tăng |
Tổng lượng cà phê Robusta trên Sở ICE đã giảm về mức 33.630 tấn, mức thấp nhất từng được ghi nhận kể từ năm 2016. Cùng với đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 08 của Việt Nam, ước tính vẫn giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, theo ước tính từ Tổng cục Thống kê. Xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 07 của Indonesia, quốc gia xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 2 Châu Á cũng thấp hơn 10% so với tháng 07/2022.
Tuy nhiên, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam bình quân trong 8 tháng đạt 2.455 USD/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, liên lục neo ở mức rất cao liên tục 6 tháng gần đây.
Ở chiều ngược lại, cà phê Arabica là mặt hàng duy nhất suy yếu với mức giảm nhẹ 0,82% so với tham chiếu. Theo MXV, việc xuất khẩu cà phê vẫn được đẩy mạnh tại Brazil trong khi tồn kho cà phê trên Sở ICE giảm mạnh về mức thấp lịch sử khiến giá không thể duy trì được đà tăng từ tuần trước.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tính đến hết ngày 01/09 đang ở mức 483.383 bao loại 60kg, giảm mạnh 29.050 bao so với tuần trước đó. Đây cũng là tổng mức cà phê lưu trữ thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022 của Sở ICE.
Trong khi đó, Brazil đã xuất khẩu được 3,74 triệu bao loại 60kg, thống kê mới nhất từ hiệp hội Những nhà Xuất khẩu cà phê nước này (CECAFE). Trong đó, 2,69 triệu bao Arabica dạng hạt được vận chuyển ra quốc tế, tăng mạnh so với mức 2 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước cũng như mức 2,4 triệu bao trong tháng 08 năm 2022.
Trên thị trường nội địa, theo Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, ghi nhận vào ngày 2/9, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ điều chỉnh giảm nhẹ 100 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước về mức 65.700 – 66.600 đồng/kg. Tuy nhiên, so với 1 tuần trước đó, giá cà phê trong nước vẫn tăng 800 – 1.000 đồng/kg.
Ở trong nước, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,21 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 2,97 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê của Việt Nam tính đến hết năm 2022 đạt 710,66 nghìn ha. Cà phê Việt Nam được trồng trên 19 tỉnh khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung tại 5 tỉnh Tây Nguyên, chiếm 91,2% tổng diện tích cả nước.
So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800 nghìn ha, Bờ Biển Ngà gần 800 nghìn ha.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê tăng liên tục trong thời gian gần đây là do cung không đủ cầu, trong đó thời tiết là một trong những nguyên nhân chính. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.
Tuy nhiên, giá cà phê ở mức cao cũng gây lo ngại việc người dân phá rừng trồng cà phê.
Theo Vicofa, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của cà phê Việt Nam khi chiếm khoảng 40% tổng lượng cà phê xuất khẩu hằng năm của Việt Nam. Doanh nghiệp mua cà phê Việt Nam hầu hết là các tập đoàn lớn như Nestle, JDE, Newman, Louis Dreyfus...
Vì vậy, để ổn định thị phần xuất khẩu cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam phải tuân thủ quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).
Theo một đánh giá của một nhà mua rất lớn ở châu Âu cho thấy tỉ lệ phá rừng để sản xuất cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%, vì vậy cơ hội các sản phẩm cà phê của Việt Nam không vi phạm quy định của EU là rất lớn. Việc còn lại là Việt Nam phải thực hiện các yêu cầu của EU và cảnh báo người dân cần quan tâm đặc biệt đến quy định Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng.