Giá cà phê xuất khẩu phục hồi về mức cao nhất do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam Nguồn cung thiếu hụt cục bộ, giá cà phê xuất khẩu cao nhất 30 năm |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê đạt 230.000 tấn với giá trị đạt 623 triệu đô la Mỹ, tăng 61,6% về khối lượng và tăng 100,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng so với tuần trước. Tại các địa phương, cà phê đang được thu mua với giá trong khoảng 78.200-79.400 đồng/kg. Với xu hướng tăng giá như hiện nay, giá cà phê trong nước có khả năng sớm vượt mức 80.000 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, giá càphê bình quân đạt 77.993 đồng/kg, tăng 5,22% so với tuần trước (tăng 3.867 đồng/kg) và tăng 81,92% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Lâm Đồng, giá càphê trung bình đạt 77.400 đồng/kg, tăng 5,39% so với tuần trước (tăng 3.960 đồng/kg) và tăng 82,81% so với cùng kỳ năm trước.
Mức giá thấp nhất hiện tại là 78.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng, cao hơn một chút là tỉnh Gia Lai với mức giá 78.900 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông giao dịch quanh mức giá là 79.000 đồng/kg.
Giá xuất khẩu càphê của Việt Nam bình quân năm 2023 đạt 2.614 đô la/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022 |
Nguyên nhân giá cà phê trong nước tăng mạnh và liên tục tạo đỉnh mới là do việc thương nhân tích cực thu mua để chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán. Các nhà xuất khẩu với tâm lý sợ thiếu hàng như năm ngoái nên thu mua nhiều hơn.
Dự báo, sản lượng càphê niên vụ 2023-2024 của Đắk Lắk ước đạt 580.000 tấn. Theo đó, sản lượng càphê xuất khẩu của tỉnh dự kiến ở mức 330.000 tấn. Nếu mức giá ở mức cao như hiện nay và biến động nhẹ trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu càphê có thể đạt tới 900 triệu USD.
Song song với việc tận dụng cơ hội mới từ thị trường, Đắk Lắk đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao cả năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cường thu hút đầu tư vào chế biến sâu.
Xây dựng kế hoạch phát triển bền vững ngành hàng càphê thông qua việc tăng chất lượng nhân và gia tăng tỷ lệ chế biến sâu để tránh những rủi ro từ thị trường.
Trong niên vụ 2023-2024, đến đầu tháng Một, sản lượng thu hoạch càphê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được 523.930 tấn, đạt 96,1% kế hoạch.
Năm 2023 diện tích càphê toàn tỉnh là 175.708ha; trong đó diện tích thu hoạch là 163.520,8ha. Với năng suất dự kiến 32,8 tạ/ha thì sản lượng niên vụ này của Lâm Đồng đạt trên 535.000 tấn.
Trên thị trường thế giới, dữ liệu báo cáo của the ICE Report Center cho thấy mức tồn kho tại sàn ICE Europe-London trong ngày 2-2 đã giảm thêm 2.300 tấn, tức giảm 7,65% so với một tuần trước đó, xuống ở mức 27.780 tấn, tương đương 463.000 bao (đơn vị tính cà phê, một bao tương đương 60 kg) tiếp tục đứng ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cà phê trong ngắn hạn.
Việt Nam hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng tăng 4,6% về giá trị lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỉ đô la. Giá xuất khẩu càphê của Việt Nam bình quân năm 2023 đạt 2.614 đô la/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, niên vụ 2023-2024, sản lượng càphê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6-1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022-2023.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên thị trường trong bối cảnh căng thẳng Biển Đỏ leo thang là một trong những yếu tố then chốt đẩy giá cà phê tăng vọt. Trước nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giới chuyên gia nhận định lượng cà phê xuất khẩu trong quý I/2024 từ châu Á sang hai thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Mỹ và châu Âu có thể giảm 36% so với cùng kỳ.