CôngThương - Với tình hình giá cao su luôn ở mức cao từ cuối năm ngoái tới nay, Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo xuất khẩu cao su năm nay có khả năng vượt 3 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 600 triệu đô la so với năm ngoái, mức cao nhất từ trước tới nay dù sản lượng tăng không đáng kể.
Cao su thế giới
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC), sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2011 sẽ tăng 8% lên mức 10,06 triệu tấn so với mức 9,32 triệu tấn năm ngoái nhờ thời tiết tốt. Trong năm nay diện tích khai thác mủ của ANRPC ước tăng 200.000 héc ta do cây cao su đến thời kỳ trưởng thành cho phép khai thác mủ.
Thái Lan là nước có diện tích khai thác tăng mạnh với khoảng 114.000 héc ta trồng trong năm 2004 và 2005 sẽ bước vào giai đoạn trưởng thành trong năm nay.
Theo tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), nhu cầu cao su (cả thiên nhiên lẫn tổng hợp) trên toàn thế giới sẽ đạt 26,1 triệu tấn trong năm nay, tăng 1,7 triệu tấn so với năm ngoái.
Tiêu thụ cao su của thế giới năm 2011 dự kiến đạt 25,5 triệu tấn và sẽ tăng lên mức 27,5 triệu tấn trong năm 2012. Trong đó, nhu cầu cao su tổng hợp sẽ tăng 8,6% trong năm nay và 6,4% trong năm 2012; nhu cầu cao su thiên nhiên sẽ tăng lần lượt là 4,6% và 3,8%.
Nhu cầu cao su tăng chủ yếu do nhu cầu sử dụng để sản xuất lốp xe ô tô tăng tại Trung Quốc (chiếm 27% nhu cầu của thế giới) và Ấn Độ. Lượng tiêu thụ của Trung Quốc đã tăng lên 3 triệu tấn trong năm 2010, gấp 3 lần so với 1,1 triệu tấn trong năm 2001, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên, tiêu thụ cao su tự nhiên của Trung Quốc có thể tăng 9% lên mức 3,6 triệu tấn trong năm nay, trong khi đó nhu cầu cao su của Ấn Độ cũng tăng 5,2% lên mức 991.000 tấn.
Nhu cầu toàn cầu về hàng hoá này trong năm 2011 ước đạt khoảng 11 triệu tấn.
Biến động giá cả
Giá cao su thiên nhiên đã tăng liên tục từ tháng 8/2010 đến cuối tháng 2/2011 do nhu cầu sản xuất lốp xe tăng mạnh sau khi nền kinh tế thế giới từng bước phục hồi, trong khi đó nguồn cung tăng chậm vì thời tiết xấu làm ảnh hưởng đến sản lượng cây cao su của nhiều nước và lụt lội trên diện rộng ở vùng cao su Thái Lan.
Đầu năm 2011, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc do tham gia mua cao su dự trữ vào mùa vụ thấp điểm sản lượng của cây cao su đã đẩy giá cao su tăng rất nhanh trong tháng 1 và tháng 2. Ngày 18/2/2011, giá cao su giao kỳ hạn tháng 7/2011 đạt mức kỷ lục 535,7 yên/kg tại TOCOM, 642 UScents/kg tại SICOM; giá cao su tại Thái Lan cũng đạt mức cao nhất là 196,3 baht/kg.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 phía Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát và hạn chế các doanh nghiệp nhập khẩu cao su theo đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu đã làm giá cao su thiên nhiên giảm mạnh.
Giá cao su RSS3 giao tháng 7/2011 tại SICOM vào thời điểm 9/3 chỉ còn 520 UScent/kg, giảm 19% so với mức đỉnh ngày 18/2.
Ảnh hưởng lan rộng từ trận động đất xảy ra tại Nhật Bản có tác động tới yếu tố tâm lý trên thị trường cao su bởi các nhà chế tạo ô tô Nhật Bản đã phải tạm dừng sản xuất. Cụ thể: tại thị trường giao ngay ngày 14/3/2011, ngày giao dịch của tuần đầu tiên sau khi động đất xảy ra, giá cao su RSS4 giao ngay tại thị trường Nhật Bản đã tụt dốc xuống mức 185 Rs/kg, từ mức 201 Rs/kg vào cuối phiên giao dịch ngày 11/3/2011.
Trong khi đó, một tháng trước đây thị trường Kochi đã niêm yết mức giá là 240 Rs/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử. Tại thị trường hàng hoá Tokyo, giá cao su kỳ hạn giao tháng 3 chốt phiên ngày 11/3 ở mức 446 yen/kg, nhưng ngay lập tức giảm xuống mức 430 yen/kg vào phiên giao dịch ngày 14/3 và sau đó giảm xuống mức 405 yen/kg, đến ngày 16/3 giảm xuống còn 375 yen/kg.
Các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng. Tại thị trường Bangkok, giá cao su giao ngay đóng của tại mức 265 Rs/kg vào ngày 11/3 và giảm xuống 223 Rs/kg vào ngày 14/3.
Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội cao su thiên nhiên thế giới, nếu như sự hồi phục sản xuất của các nhà máy tại Nhật Bản có thể sớm trở lại và nhờ có sự hậu thuẫn từ thị trường dầu mỏ, đặc biệt là nguồn cung sẽ rất hạn hẹp trong khoảng từ tháng 2 đến hết tháng 5 tới đây sẽ đẩy cao su tăng giá trở lại. Giá cao su khó có thể đạt được những mức kỷ lục như trong giai đoạn vừa qua.
Cao su trong nước
Sản xuất:
Theo Tổng cục Thống kê, diện tích trồng cao su cả nước năm 2010 đạt 740.000 héc ta, tăng hơn 9% so với năm 2009, trong đó, diện tích cho sản phẩm là 438.888 héc ta.
Theo tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), diện tích trồng cao su của tập đoàn năm 2010 là 270.000 héc ta, chiếm 40% diện tích trồng cao sucả nước, sản lượng xuất khẩu chiếm 85%. Năm 2011, tập đoàn tiếp tục triển khai phương án trồng cao su đa mục tiêu (vừa khai thác mủ, vừa khai thác gỗ), đồng thời mở rộng diện tích trồng cao su ở những vùng đất mới như Tây Bắc, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ. Cụ thể tại miền Trung diện tích cao su là 21.400 héc ta, dự kiến tập đoàn sẽ mở rộng phát triển trồng cây cao su để đạt được diện tích là 50.000 héc ta vào năm 2015.
Ngoài ra, tập đoàn đang hướng tới mở rộng diện tích trồng cây cao su tại nước ngoài do quỹ đất trong nước không còn. Những nước nằm trong chiến lược này gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Nam Phi. Theo thống kê của văn phòng VRG tại Campuchia, VRG đã trồng được khoảng 20.000 héc ta trong năm 2010, dự kiến năm 2011 sẽ trồng khoảng 30.000 héc ta và năm 2012 là khoảng 40.000 héc ta.
Theo phân tích của hãng Reuters về ngành hàng cao su của Việt Nam năm 2011, sản lượng cao su sẽ đạt khoảng 780.000-790.000 tấn, tăng 4% so với năm 2010 do diện tích được mở rộng thêm khoảng 40.000 héc ta.
Thương mại
Năm 2010 là năm thành công lớn của ngành cao su Việt Nam nhờ sản lượng và đặc biệt là giá xuất khẩu tăng mạnh. Việt Nam đã có kim ngạch và khối lượng xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất từ trước tới nay, đạt giá trị 2,388 tỉ đô la với lượng đạt 782.200 tấn, giá bình quân là 3.053 đô la/tấn, tăng 94,7% về giá và tăng 6,9% về lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2011 Việt Nam xuất khẩu được 75.600 tấn cao su, đạt 332,95 triệu đô la, giá bình quân là 4.403 đô la/tấn, tăng 46% về lượng và tăng đến 145% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Riêng chủng loại SVR 3L vượt ngưỡng dự đoán 5.000 đô la/tấn, đạt bình quân 5.147 đô la/tấn.
Sang tháng 2,giá cao su xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đạt đỉnh điểm vào ngày 18/2-21/2, chủng loại SVR 3L đạt mức 5.850 đô la/tấn. Tuy nhiên, lượng và kim ngạch xuất khẩu tháng 2 giảm so với tháng 1 do thời gian nghỉ Tết dài, đạt khoảng 45 ngàn tấn và trị giá khoảng 200 triệu đô la. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cao su tháng 2/2011 vẫn tăng gấp đôi về lượng và tăng 3,5 lần về giá trị so với cùng kỳ.
Trong tháng 3/2011, giá cao su tự nhiên có xu hướng giảm xuống khi Trung Quốc và các nước giảm lượng mua dự trữ. Xuất khẩu cao su trong tháng 3 ước đạt 56 ngàn tấn, với giá trị đạt khoảng 250 triệu đô la. Sau 3 tháng đầu năm, tổng lượng cao su đã xuất khẩu đạt khoảng 179 ngàn tấn, trị giá ước đạt 798 triệu đô la, tăng 48% về lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.
Giá cao su của thế giới và của Việt Nam sụt giảm mạnh từ đầu tháng 3 cho đến nay (hiện nay đã tăng mạnh trở lại - PV) nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm này sẽ không kéo dài lâu do cây cao su chuẩn bị vào mùa thay lá nên nguồn cung sẽ khan hiếm, chỉ bằng một nửa so với bình thường.
Dự kiến giá cao su sẽ tăng trở lại trong quí 2/2011 tuy nhiên mức tăng sẽ không thể đạt tới mức đỉnh điểm vào ngày 18/2/2011. Dự báo khối lượng cao su xuất khẩu của năm nay có thể đạt con số gần 830 ngàn tấn, tăng khoảng 50 ngàn tấn so với năm ngoái nếu điều kiện thị trường thế giới thuận lợi tại các nước có nhu cầu lớn về cao su như Trung Quốc, Malaysia và nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sản phẩm này có thể lên tới hơn 3 tỉ đô la, tăng khoảng 1,71% so với con số dự báo của cuối năm 2010.
Sự điều chỉnh tăng này là do khối lượng cao su xuất khẩu của quí 1/2011 tăng thêm gần 5 ngàn tấn so với dự báo. Hơn nữa, giá cao su xuất khẩu được cải thiện nhiều so với năm ngoái.