Xuất khẩu cao su: Tìm lời giải từ chứng chỉ FSC
Nỗ lực vượt khó
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,75 triệu tấn, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2019, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.362 USD/tấn, tăng 0,7% so với năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.
Các sản phẩm có chứng chỉ bền vững hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao hơn |
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam - đánh giá, năm 2020, ngành cao su đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cùng những yếu tố không thuận lợi của thời tiết trong những tháng cuối năm để tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì, ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh.
Các chuyên gia nhận định, nhu cầu đối với cao su trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng do dự báo nền kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới - sẽ tiếp tục cải thiện, nhất là vào năm 2021, từ đó đẩy nhu cầu cao su thiên nhiên tăng theo, trong khi nguồn cung có thể bị gián đoạn do yếu tố thời tiết. Bên cạnh đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi các hãng ôtô sẽ gia tăng sản lượng.
Cần phát triển theo hướng bền vững
Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích thuộc Tổ chức Forest Trends - cho biết, có thể dễ dàng thấy cao su của Việt Nam có mặt tại các hãng sản xuất lốp xe lớn của Ý và Nhật… Điều này có nghĩa rằng các sản phẩm cao su của Việt Nam, bao gồm cả nguồn cung từ 265.000 hộ tiểu điền đã trở thành một bộ phận quan trọng của chuỗi cung toàn cầu. Tuy nhiên, đến nay, các sản phẩm cao su thiên nhiên xuất khẩu của chúng ta chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu thô và chưa có chứng nhận bền vững.
Giám đốc Thương mại của nhà cung cấp cao su Corrie MacColl - ông John Heath - khẳng định, thị trường EU hiện đang dành nhiều sự quan tâm đến cao su có chứng chỉ FSC (chứng chỉ bền vững của Hội đồng Quản trị rừng thế giới). Nhu cầu từ khách hàng buộc nhà cung cấp phải mua cao su bền vững.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự dịch chuyển về nhu cầu của thị trường thế giới theo hướng các sản phẩm cao su bền vững, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm có chứng chỉ bền vững hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đảm bảo việc tiếp cận thị trường thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cao su thiên nhiên của Việt Nam cũng phải nỗ lực thay đổi theo hướng phát triển bền vững để duy trì thị phần lâu dài và ổn định trong bối cảnh giá cao su luôn ở mức thấp trong nhiều năm qua. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 2.3 tỷ USD mỗi năm, ngành cao su đã trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam hiện nay. |