Hội nghị Ban Chấp hành Lefaso 6 tháng 2017 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng (trái) và ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso chủ trì |
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Lefaso chủ trì cùng các đơn vị, DN trong ngành thuộc Ban chấp hành hiệp hội.
Báo cáo tại hội nghị, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11%, trong đó xuất khẩu giày dép ước đạt 7 tỷ USD, tăng 12% và túi - cặp đạt 1,65 tỷ USD, tăng khoảng 4%. Sự trái ngược của chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng thấp (4,2%), trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng cao (11%), có thể là do chỉ số SXCN chưa tính đầy đủ yếu tố đầu tư FDI trong các năm 2015-2016 để tận dụng lợi thế các hiệp định FTA.
Các vùng tập trung nhiều nhà máy sản xuất da - giày hiện nay, ở phía Nam là khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, chiếm tới trên 80% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong đó TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, hiện là các địa phương có sản lượng giày dép, túi xách lớn nhất cả nước.
Khối DN FDI cũng chiếm ưu thế trong xuất khẩu giày dép và túi - cặp. Năm 2016, khối DN FDI chiếm tỷ trọng 80,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày. Trong các năm qua, khối FDI tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam, đón đầu cơ hội giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định FTA. Trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của khối FDI tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng 81,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó FDI chiếm tỷ trọng 81,2% đối với giày dép và 81,5% đối với túi - cặp các loại.
Trong khi đó, do khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường, các DN trong nước không mở rộng được sản xuất, tỷ trọng xuất khẩu da giày của DN trong nước tiếp tục xu hướng giảm dần, từ mức 25% năm 2013, xuống còn 18,7% trong 5 tháng đầu năm 2017. Trong đó tỷ trọng xuất khẩu giày dép giảm từ 24,4% năm 2013 xuống 18,8% và túi - cặp các loại giảm từ 27,9% năm 2013 xuống còn 18,5% trong 5 tháng đầu năm 2017.
Tại hội nghị, các DN cũng nêu lên nhiều khó khăn mà ngành da giày đang gặp phải đó là vấn đề tăng lương, năng suất lao động không tăng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất còn chậm do DN thiếu vốn. Nhiều DN cho hay, vấn đề tăng lương hàng năm đã gây cho DN rất nhiều khó khăn khi giá gia công không tăng, thậm chí giảm. Để việc tăng lương không trở thành vấn đề giằng co giữa DN và người lao động cần có sự phối hợp với các ban ngành, đưa ra quyết định hợp lý,...
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành da giày là vấn đề mấu chốt để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng |
Liên quan đến vấn đề ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cho ngành da giày, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso cho hay, ngành công nghiệp da giày và túi xách Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang thay đổi rất nhanh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần do đó DN cần phải thay đổi về tầm nhìn và quá trình đầu tư. Việc đầu tư này đòi hỏi nhiều vốn nhưng cần thiết vì giúp thay thế được một phần lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. Bên cạnh đó là việc tập trung cho nghiên cứu phát triển (R&D) cần được chú trọng bởi đây chính là khâu tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm, nâng cao trong cả chuỗi giá trị toàn ngành. Hiệp hội sẽ làm tốt vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin phát triển ngành, thông tin thị trường, kinh nghiệm đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, là cầu nối giữa DN với thị trường và với Nhà nước, cùng DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh - ông Thuấn nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao kết quả ngành da giày đạt được trong thời gian qua dù còn nhiều khó khăn và thách thức. Thứ trưởng nhấn mạnh, ngành da giày đã có rất nhiều DN đi lên thành công cũng xuất phát từ gia công vì thế các vấn đề tiền lương, năng suất lao động phải được giải quyết thấu đáo. Hoạt động quản lý DN, quản trị nhân lực, nâng cao chất lượng tay nghề, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... cần được chú trọng nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tạo cơ hội cho DN phát triển bền vững và ngành da giày giữ vị thế là ngành sản xuất và xuất khẩu then chốt của cả nước với giá trị gia tăng ngày càng nâng cao.