Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 9.2020 ước đạt 405.780 tấn với 202,725 triệu USD, so với tháng 9.2019 giảm 15,35% về lượng và giảm 3,89% về trị giá. Cộng dồn 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt 5,012 triệu tấn, với 2,46 tỉ USD; so với cùng kỳ năm 2019 giảm 0,96% về lượng nhưng tăng 11,41% về kim ngạch.
Xuất khẩu đã đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo cho người dân với giá tốt |
Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm 2020, châu Á vẫn là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam, đạt 2,78 triệu tấn, chiếm 60,74% tổng lượng gạo xuất khẩu. Châu Phi là thị trường khu vực lớn thứ hai, đạt 0,87 triệu tấn, chiếm 19,06%. Mặc dù xuất khẩu sang thị trường châu Âu còn rất khiêm tốn, đạt 0,07 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 1,61%. Tuy nhiên, đáng lưu ý là một số thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh như Tây Ban Nha tăng 219,9%, Pháp tăng 145,8%. Đây được đánh giá sẽ là tiền đề tốt để ta tiếp tục khai thác hiệu quả cơ hội thị trường EU khi Hiệp định EVFTA đã bắt đầu có hiệu lực và triển khai thực thi.
Ngoài ra, điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu gạo là cơ cấu chủng loại đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm (chiếm 27,33% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020), gạo japonica (chiếm 3,69%), gạo nếp (chiếm 10,13%).
Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đánh giá, Hiệp định EVFTA là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản. Tuy nhiên, để xuất khẩu có hiệu quả, tận dụng tốt lợi thế từ 80.000 tấn gạo này thì không phải dễ dàng, đặc biệt là khi EU là thị trường có yêu cầu cao và khác so với các thị trường truyền thống mà gạo Việt Nam đang xuất khẩu. EU là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói...
Do vậy, để có thể thâm nhập, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thay đổi tư duy sản xuất, tiếp tục rà soát, tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến để đáp ứng tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các quy định về dán nhãn, môi trường, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. ”Làm tốt được công tác xuất khẩu 80.000 tấn gạo này, gạo Việt Nam sẽ “thực sự” khẳng định về hình ảnh, chất lượng, thương hiệu trong lòng người tiêu dùng của EU và nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ ngày càng tăng” – ông Toản khẳng định.
Đối với thị trường EU, để triển khai thực hiện quy định tại Hiệp định EVFTA, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì trong công tác xây dựng Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU. Đến ngày 4/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định EVFTA được hưởng miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. 09 chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch bao gồm: Jasmine 85; ST 5; ST 20; Nàng Hoa 9; VĐ 20; RVT; OM 4900; OM 5451; Tài nguyên Chợ Đào. Sự ra đời của Nghị định số 103/2020/NĐ-CP đã hoàn thiện hành lang pháp lý của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu để được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định EVFTA.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay, trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp đã sẵn sàng xuất hàng vào EU bằng việc xây dựng cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô của Đức, có thể dự trữ khoảng 30.000 tấn đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.
Nhờ đó, mới đây, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Trong đó, giá gạo ST20 đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với mức giá trước khi EVFTA có hiệu lực (giá gạo ST20 khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn).