Thương hiệu gạo Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Xuất khẩu gạo 2024: Những khuyến nghị đáng chú ý từ các Thương vụ Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam |
Nhu cầu tiêu dùng gạo tại thị trường Trung Quốc là rất lớn
Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại tại Trung Quốc - cho biết, Trung Quốc là quốc gia đông dân và người dân có thói quen ăn cơm hàng ngày. Thói quen này đã đi vào văn hóa ẩm thực của người Trung Hoa, do đó, nhu cầu tiêu dùng đối với gạo tại thị trường này là rất lớn. Song Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất và có sản lượng gạo lớn nhất toàn cầu.
Năm 2023, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam |
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ năm 2021 đến nay, sản lượng lúa gạo của nước này đạt trên 200 triệu tấn/năm, thậm chí từ năm 2015 sản lượng vượt lên trên 210 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, do tác động của yếu tố thời tiết, hiện tượng El Nino gây ra hạn hán, lũ lụt. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa ngày càng sâu rộng, diện tích canh tác lúa đã giảm, dẫn đến sản lượng lúa những năm gần đây giảm so với những năm trước đây.
Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp Trung Quốc giai đoạn 2022 - 2031 của Hội đồng chuyên gia dự báo thị trường - Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc cũng như một số báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu độc lập cho thấy tiêu thụ gạo của Trung Quốc đã đạt ngưỡng 150 triệu tấn từ năm 2020 và duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục cho đến nay, trong đó, cơ cấu tiêu thụ gạo như sau: 74,5% là sử dụng làm thực phẩm cho người dân; 12-14% là sử dụng vào ngành thức ăn chăn nuôi; gạo cho ngành công nghiệp chế biến (sản xuất tinh bột, sản xuất rượu) chiếm khoảng 8%.
Về thương mại gạo, trước đây Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu gạo lớn, xuất khẩu thường cao hơn nhập khẩu. Tuy nhiên, vài năm sau thời điểm Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (năm 2001), xuất khẩu gạo của Trung Quốc giảm dần và ngược lại nhập khẩu tăng hơn so với xuất khẩu. Nhưng trong mấy năm gần đây, xuất khẩu gạo của Trung Quốc tăng dần trở lại.
Để bảo hộ sản xuất gạo trong nước, Trung Quốc cũng đã ban hành biện pháp quản lý hạn ngạch thuế quan đối với một số loại nông sản, trong đó có mặt hàng gạo, từ đó đến nay hạn ngạch đối với mặt hàng gạo của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 5,32 triệu tấn/năm.
Từ năm 2012, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, mặc dù với hạn ngạch 5,32 triệu tấn, nhưng đến nay chưa có năm nào vượt qua mức hạn ngạch nhập khẩu, Tuy nhiên, năm 2022, nhập khẩu của Trung Quốc vượt hạn ngạch và đạt 6,19 triệu tấn.
Nhưng bước sang năm 2023, nhập khẩu gạo của Trung Quốc có sự biến động rất mạnh, chỉ đạt 2,63 triệu tấn, giảm đến 75% về số lượng và 45,8% về kim ngạch so với năm 2022.
Phân tích nguyên nhân của việc giảm đột ngột này, ông Nông Đức Lai nhận định, thứ nhất là do chênh lệch tỷ giá giữa Nhân dân tệ và đồng đôla Mỹ. Thứ hai, là do tác động của một số chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực nói chung và xuất khẩu gạo của một số quốc gia trong đó có Ấn Độ đã tác động đến nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Bởi Ấn Độ là một trong những đối tác xuất khẩu gạo lớn của Trung Quốc. Năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc chiếm gần 2/3 tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này.
Thứ ba, tỷ trọng nhập khẩu gạo tấm để thay thế một số nguyên liệu như ngô, lúa mì dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi đã trở lại mức bình thường.
“Bình thường, hàng năm, tỷ trọng nhập khẩu gạo tấm trong số lượng nhập khẩu gạo của Trung Quốc chiếm khoảng 30%, tuy nhiên, trong năm 2021 và 2022 tỷ trọng này tăng lên hơn 50% và thậm chí gần 60%”, ông Nông Đức Lai cho biết.
Thứ tư, giá gạo của thế giới tăng trong năm vừa qua, điều này làm chênh lệch giá gạo của Trung Quốc với bên ngoài không đủ hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu.
Và những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt
Dự báo, trong năm 2024, tín hiệu nhập khẩu gạo của thị trường Trung Quốc rất tích cực và có xu hướng tăng trở lại do nhiều yếu tố.
Thứ nhất, là xuất phát từ chính thị trường trong nước, bởi trong 3 năm vừa qua, diện tích trồng lúa của Trung Quốc liên tục giảm dưới 30 triệu ha (năm 2023 chỉ còn hơn 28 triệu ha (hiện Trung Quốc đang duy trì diện tích trồng lúa đạt trên 30 triệu ha)), sản lượng lúa cũng giảm liên tiếp trong 2 năm vừa qua, trong khi nhu cầu tiêu dùng được dự báo vẫn duy trì mức tăng nhẹ (khoảng 150 triệu hoặc trên 150 triệu tấn gạo).
Thứ hai, năm vừa qua, vấn đề an ninh lương thực được Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng, luôn được nhấn mạnh trong các hội nghị, thậm chí có những hội nghị bàn riêng về việc này.
Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Khóa XIV vào cuối năm 2023 đã thông qua Luật An ninh lương thực mới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/6/2024. Đây là động thái quan trọng mang tầm quốc gia của Trung Quốc trong việc bảo đảm nguồn cung ổn định ngũ cốc và các sản phẩm liên quan, tăng cường an ninh lương thực trước những bất ổn ở thị trường bên ngoài. Vì vậy, Trung Quốc sẽ duy trì nhập khẩu gạo một cách hợp lý để đảm bảo bù đắp cho thiếu hụt gạo trong nước.
Các yếu tố bên ngoài, tác động của chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng như sự đứt đoạn của chuỗi cung ứng do sự tác động của địa chính trị, chi phí vận chuyển tăng cao, điều này sẽ làm cho Trung Quốc tìm kiếm đến các thị trường cung ứng gạo ở khu vực Đông Nam Á.
Để gia tăng cơ hội xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai khuyến nghị các doanh nghiệp bám sát, cập nhật thông tin thị trường, kịp thời nắm bắt các động thái mới nhất của thị trường nước nhập khẩu, ứng phó kịp thời cũng như nắm bắt thời cơ.
Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại nhằm thâm nhập vào các khu vực tiềm năng của nước bạn để mở rộng xuất khẩu tại thị trường tỷ dân này.
“Trước đây, thành phố Bắc Kinh nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất thấp, năm 2022 chỉ khoảng chưa đến 10%, tuy nhiên, sang năm 2023, con số này đã tăng lên 33%. Năm 2023, Bắc Kinh nhập khẩu gạo hơn 370 triệu USD, trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 122 triệu USD. Đây là lý do để chúng ta có thể nghiên cứu, thâm nhập vào các thị trường tiềm năng như Bắc Kinh, hay một số thị trường khu vực Tây Nam”, ông Nông Đức Lai chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần phát huy và tận dụng lợi thế của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Bởi trong những năm vừa qua, chúng ta đã thiết lập được quan hệ bạn hàng truyền thống tốt đẹp với thị trường này. Đồng thời, duy trì tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Xét về tỷ trọng kim ngạch, bình quân, trong 10 năm qua, tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm từ 36 - 37%. Đây là con số khá cao so với các nước cùng xuất khẩu vào thị trường này.
“Dòng gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST đang là các dòng gạo được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, do đó, các doanh nghiệp cũng cần duy trì, phát huy và mở rộng, qua đó, có thể xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”, ông Nông Đức Lai nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam (tụt 1 bậc so với năm 2022 và đứng sau Philippines và Indonesia), chiếm khoảng 11% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Theo đó, Việt Nam đã xuất khẩu được 917.255 tấn với kim ngạch đạt khoảng 530,6 triệu USD (giá bình quân 578 USD/tấn; cao hơn một chút so với hai đối tác xếp trên với 559 USD và 549 USD/tấn). |