Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay, do nhiều nguyên nhân, nhiều mặt hàng thiết yếu tại Philippines có xu hướng tăng giá, trong đó gạo là mặt hàng tăng giá nhiều nhất.
Riêng trong quý I/2024, mức tăng giá của mặt hàng gạo đã khoảng 24,4%, tác động không nhỏ trong mức tăng lạm phát của Philippines trong quý này. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Philippines đã từng áp dụng biện pháp giá trần nhằm kiểm soát đà tăng giá gạo nhưng không thành công như mong đợi.
Vì vậy, trong những tháng vừa qua, Chính phủ Philippines đã hối thúc lưỡng viện nghiên cứu sửa đổi Luật số 11203 về tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo nhằm khôi phục cho Cơ quan lương thực quốc gia Philippines quyền năng can thiệp trực tiếp để điều tiết và bình ổn thị trường.
Thương vụ cho rằng, việc sửa đổi Luật sẽ có tác động tới thị trường gạo và thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines.
Thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines có thể gặp khó với dự luật mới đang được trình Hạ viện quốc gia này (Ảnh minh họa) |
Từ đầu năm 2023, đặc biệt sau khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (trắng) vào tháng 7/2023 làm cho thị trường lương thực thế giới bất ổn, kéo theo sự tăng giá các mặt hàng lương thực, đặc biệt là mặt hàng gạo tại Philippines, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhiều người dân, đặc biệt là dân nghèo.
Để kiểm soát giá gạo, ngày 31/8/2023, Tổng thống Ferdinand R. Marcos, Jr., ban hành Sắc lệnh số 392 quy định bắt buộc áp giá trần giá bán lẻ gạo trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi áp dụng, Sắc lệnh số 392 đã cho thấy sự bất lực và không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Do vậy, giải pháp đưa Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) trở lại vai trò trước đây bằng cách khôi phục cho cơ quan này quyền nhập khẩu gạo và điều tiết hoạt động kinh doanh bán lẻ gạo sẽ làm đảo ngược tất cả các cải cách có lợi trong khung chính sách lúa gạo mà Luật số 11203 đã đạt được. Tác động của các sự kiện bên ngoài gây bất lợi đối với thị trường gạo trong ngắn hạn không liên quan đến các quy định của Luật số 11203 hay các khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập.
Dự luật sửa đổi chưa được chính thức thông qua, tuy nhiên, Thương vụ cho rằng, việc sửa đổi Luật số 11203 sẽ có tác động đến hoạt động thương mại gạo giữa hai nước. Cụ thể: Việc sửa đổi Luật theo hướng khôi phục thẩm quyền cho NFA trực tiếp tham gia điều tiết, bình ổn thị trường gạo. Về lý thuyết có thể sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực theo hướng giảm giá bán gạo trên thị trường tại Philippines trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ rất khó để việc này đạt được kết quả như kỳ vọng, bởi NFA phải xây dựng được một hệ thống nhân sự và cơ sở vật chất cho sự tham gia vào chuỗi cung ứng gạo ở khắp các địa phương trên cả nước, điều NFA không thể làm được trong một thời gian ngắn.
Thêm vào đó, việc tham gia bình ổn thị trường của NFA trước mắt chỉ giới hạn khi thị trường có biến động tăng giá hoặc trường hợp khẩn cấp theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, vì vậy, khó có thể có tác động ngay tức khắc tới thị trường gạo nói chung.
Ngoài ra, việc bình ổn của NFA chủ yếu nhắm tới thị trường các mặt hàng gạo chất lượng trung bình và thấp, phục vụ cho đại đa số người dân nghèo hoặc có thu nhập thấp, vì vậy, không ảnh hưởng nhiều tới thị trường gạo cao cấp.
Từ những nhận định trên, Thương vụ cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu gạo giữa Việt Nam và Philippines trong thời gian tới về cơ bản vẫn ổn định, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng cho tới khi Chính phủ Philippines kiện toàn bộ máy, xây dựng mạng lưới cũng như cơ chế hoạt động của NFA để có thể can thiệp trực tiếp và hiệu quả vào thị trường gạo. Đồng thời, việc sửa đổi Luật số 11203 sẽ không thể ngay tức khắc ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam với Philippines.