Xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật Bản: Những chuyển dịch mới
- Theo ông, có chuyển động nào cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản sau thảm họa vừa qua?
- Khả năng có biến động lớn về mặt thị trường của Nhật Bản là không xảy ra. Sau thảm họa thiên tai, thị trường Nhật Bản có thêm những yêu cầu đột xuất khác, chẳng hạn, nhu cầu về đồ bảo hộ tăng đột biến. Hiện nay, đơn đặt hàng bảo hộ lao động đang có xu thế tăng.
|
Ông Lê Tiến Trường |
Nhật Bản có truyền thống kinh doanh rất ổn định. Năm nay, tăng trưởng dệt may vào thị trường này có thể không tăng, nhưng duy trì khoảng 1,2 tỷ USD như năm 2010 là hoàn toàn có thể đạt được do giá có thể nhích lên một chút.
- Nhật Bản vốn là thị trường "khó tính", thời gian tới, liệu có thêm phân khúc dệt may nào của Việt Nam vào được thị trường này?
- Các nhà mua hàng Nhật Bản bao giờ cũng nhập một phần từ Trung Quốc, một phần từ Việt Nam và một phần từ các nước khác. Dệt may gồm hàng nghìn mặt hàng khác nhau, điều đó có nghĩa, nhà sản xuất phải căn cứ vào lợi thế cạnh tranh của mình. Nếu không lựa chọn được cái hợp lý đó, thì không có chuyện trong lúc thế giới giảm, dệt may Việt Nam vẫn tăng 15-20%. Vì vậy, ta phải lựa chọn được phân khúc có lợi thế tốt.
Hai loại hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản nhiều nhất là veston và hàng dệt kim. Công ty Dệt kim Đông Xuân, 30 năm nay chỉ chuyên sản xuất đồ lót cho Nhật Bản với 100% công suất. Người Nhật Bản có thói quen mặc vetston đi làm việc, mùa hè là vetston không dựng. Vì vậy, hàng năm, cùng với các doanh nghiệp may xuất khẩu khác, Công ty may Nhà Bè vẫn xuất cho các hãng buôn veston lớn nhất nước này.
- Theo ông, thời gian tới, tình hình XK sang Nhật sẽ như thế nào?
- Thực tế, tình hình xuất khẩu có dịch chuyển một chút, theo hướng nhiều hơn về số lượng và chất lượng dịch chuyển về trung bình hơn. Nhật Bản là nền kinh tế lớn, hiện tại họ có khó khăn, nhưng chưa đến mức phải cắt giảm đến cả tiêu dùng tối thiểu.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Vân thực hiện