Lấy lại đà tăng trưởng
Sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2021, kinh tế TPHCM đã lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2022. Tại Hội nghị về phát triển kinh tế mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, kinh tế - xã hội của TPHCM đang phục hồi mạnh mẽ sau một năm khủng hoảng trầm trọng do dịch Covid-19. Trong quý 1/2022, kinh tế TPHCM đang lấy lại đà tăng trưởng với mức +1,88%, so với mức -11,6% của quý 4/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách của cả nước.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, các hoạt động tại TPHCM gần như mở cửa hoàn toàn, hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều, kinh tế - xã hội TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2022 đã có những dấu hiệu hồi phục và khởi sắc; mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp đã hoạt động ổn định và tốt lên. Theo kết quả khảo sát của UBND TPHCM về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh, trong quý 1/2022 so với quý 4/2021 có 31% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 34,6% giữ ổn định và 34,4% khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 80% doanh nghiệp cho rằng tốt lên và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước lần lượt là 74,1% và 60,2%.
Dự báo tình hình quý 2 so với quý 1, có 45,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 32,6% giữ ổn định và 21,5% khó khăn hơn. Trong đó, có 91,4% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý 2, tỷ lệ này ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước là 79,1% và 76,8% tương ứng.
Xuất khẩu ấn tượng
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế TPHCM ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, trong đó, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ấn tượng tại nhiều thị trường. Chỉ tính riêng trong quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 11.878,6 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng ấn tượng đạt 564,4 triệu USD, tăng 107,9%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.228,7 triệu USD, tăng 16,1%.
Nhóm hàng nông sản có trị giá xuất khẩu tăng khá cao, đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có mức tăng cao, như: Gạo có sản lượng xuất khẩu đạt 365 nghìn tấn với trị giá đạt 268,7 triệu USD, tăng 39,8%; cà phê có sản lượng xuất khẩu đạt 80 nghìn tấn với trị giá đạt 175,2 triệu USD, tăng 64,8%. Đặc biệt, riêng mặt hàng dầu thô, sản lượng xuất khẩu trong quý 1 đạt 663,8 nghìn tấn, tăng 90,8%; trị giá đạt 451,2 triệu USD, tăng 200,9%.
Số liệu thống kê của Cục Hải quan TPHCM cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu qua các cảng TPHCM cũng tăng rất cao. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu TPHCM đến ngày 31/3, đạt 35,3 tỷ USD, tăng 14,9%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 19,4 USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng rất tốt. Chẳng hạn, hàng thủy sản tăng 90,4%; hàng dệt may đạt tăng 54,7%; máy tính và thiết bị, phụ kiện đạt 4,73 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021. kết quả này có sự tham gia đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp TPHCM.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp TPHCM xuất khẩu tăng trưởng tại nhiều thị trường lớn. Trong đó, thị trường Trung Quốc mặc dù gặp nhiều khó khăn về các chính sách chống dịch của nước này, nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì vị trí số một về xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu trong quý 1 đạt 2.523,3 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1.700 triệu USD, tăng 5%; thứ ba là thị trường Nhật Bản đạt 701,8 triệu USD, tăng 8,7%...
Theo lãnh đạo UBND TPHCM, dự kiến sau khi TPHCM mở cửa toàn bộ; kiểm soát được đại dịch; kiềm chế mức tăng giá tiêu dùng và giá nguyên nhiên vật liệu; sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường; và kỳ vọng sớm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine thì khả năng tăng trưởng kinh tế TPHCM trong năm nay đạt chỉ tiêu đề ra.
Theo đề án xuất khẩu vừa được TPHCM phê duyệt, dự báo đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu TPHCM ước đạt 70 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9%/năm, đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 108 tỷ USD. Trong đó, nhóm sản phẩm phần mềm, nội dung số, ước tính kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 10,1 tỷ USD và năm 2030 có thể đạt 20,3 tỷ USD.
TPHCM đặt ra nhiệm vụ đến năm 2025, duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn cho thành phố, trong khi đó chuẩn bị điều kiện để nâng cấp công nghiệp, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến thực hiện dịch vụ xuất khẩu là chiến lược dẫn dắt nhằm nâng cao giá trị gia tăng đúng theo lợi thế cạnh tranh của thành phố.