Hai vấn đề nổi cộm tồn tại dai dẳng trong hoạt động đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường Đài Loan là lao động bị thu phí cao hơn quy định và lao động bỏ hợp đồng, đặc biệt trong năm 2015.
Dù Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng trên thực tế, hiệu quả không cao. Thực tế, vẫn tồn tại không ít doanh nghiệp tuyển lao động không đăng ký hoặc không trực tiếp tuyển chọn lao động; công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động chưa thực hiện nghiêm túc. Nhiều cá nhân, tổ chức mượn danh xuất khẩu lao động, thậm chí để tổ chức nước ngoài “núp bóng” hoạt động.
Theo ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội - nhằm chấn chỉnh hoạt động này, Bộ đã đề ra giải pháp: Mỗi doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ và ủy quyền cho 3 chi nhánh có trụ sở đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức tuyển chọn, đào tạo lao động xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra năng lực cơ sở đào tạo của doanh nghiệp còn bị bỏ ngỏ. Vị vậy, Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở đào tạo để đánh giá năng lực thực tế. Trường hợp phát hiện số lao động xuất khẩu cao hơn quy mô đào tạo, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ xuất khẩu lao động hoặc bị tiến hành kiểm tra toàn diện.
Ngoài ra, tình trạng lao động bị thu phí cao luôn là vấn đề nhức nhối. Lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội khẳng định: Bộ sẽ tập trung xử lý khiếu nại của lao động bị thu phí cao. Trong quá trình giải quyết, nếu phát hiện vi phạm của doanh nghiệp như: Không tuyển chọn trực tiếp, không thu tiền trực tiếp, thu phí quá quy định..., cơ quan chức năng sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và dừng hoạt động của doanh nghiệp nếu bị khiếu nại nhiều.
Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ quản chặt việc hợp tác giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam với công ty môi giới của Đài Loan nhằm hạn chế số lượng công ty môi giới xếp hạng thấp được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. |