“Rộng cửa” thị trường lao động
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Trưởng phòng Thư ký tổng hợp, Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (SoNa) - đơn vị đã đưa được gần 55.000 lao động đi làm việc tại trên 20 nước và vùng lãnh thổ trong gần 30 năm hoạt động - cho biết, hiện nay, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn thợ hàn kỹ thuật cao, đi làm việc ở Rumani và Hàn Quốc. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2019 và cả năm 2020, công ty cần tuyển 500 thợ hàn đi làm đóng tàu tại Rumani và 200 thợ hàn đi làm việc tại Hàn Quốc theo diện visa E7.
Để chuẩn bị nguồn lao động cho các hợp đồng này, bên cạnh nguồn lao động đã có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài kết thúc hợp đồng về nước; số lao động có tay nghề, kinh nghiệm ở trong nước, công ty đã và đang tìm kiếm, kết nối với một số trường nghề để đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của chủ sử dụng lao động, đề nghị chủ sử dụng lao động hỗ trợ chi phí đào tạo ngắn hạn để khuyến khích người lao động tham gia đào tạo.
Hay một câu chuyện khác xảy ra ở xã Cương Gián, huyện Nghi Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, được mệnh danh là "làng giàu nhất xứ Nghệ" nhờ đi xuất khẩu lao động. Nếu như năm 1994, mới chỉ có 5 lao động đầu tiên lên đường đi Hàn Quốc làm việc trên tàu đánh cá xa bờ, thì đến nay, số lao động nơi đây đi xuất khẩu chủ yếu ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã lên đến gần 3.000 người. Theo báo cáo chưa đầy đủ của địa phương, mỗi năm tiền gửi về lên đến trên dưới 400 tỷ đồng…
Hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia |
Đây chỉ là những ví dụ cho thấy nhu cầu về xuất khẩu lao động đang tăng lên và hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Đồng thời, hoạt động này đã tạo cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội làm việc, tìm kiếm được nguồn thu nhập tốt.
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn - Trường Đại học Thăng Long cho hay, theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 500.000 lao động đang làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD. Từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm lao động đi làm việc nước ngoài đạt hơn 102.000 người/năm, chiếm 7% số người được giải quyết việc làm mới của cả nước.
Trong đó, thị trường đứng đầu về lượng tiếp nhận lao động Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Chỉ tính riêng Hàn Quốc, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm thị trường này tiếp nhận thêm 12.000 lao động Việt Nam mới và tái tuyển dụng 6.000 lao động, tăng tổng số lao động Việt Nam tại quốc gia này lên gần 50.000 lao động. Một số thị trường khác như Brunei, Singapore, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng đang được mở rộng. Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển có thu nhập cao như Australia, Mỹ, Canada, Phần Lan, Ý cũng là mục tiêu xuất khẩu lao động Việt Nam hướng đến.
Bình quân thu nhu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700 - 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan, 1000 - 1200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Như vậy, hàng chục vạn lao động từ hầu khắp các địa phương trong nước đã có được công ăn việc làm với thu nhập đáng kể. Cùng với đó là sự cải thiện cuộc sống của các gia đình người lao động…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn nhằm mở nhiều hướng giải quyết việc làm, nhất là đối với thanh niên. Để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục kịp thời những điểm yếu của người lao động của Việt Nam hiện nay như trình độ ngoại ngữ kém, lao động có trình độ chuyên môn cao còn thấp, kỷ luật lao động chưa cao…, thì vấn đề quan trọng không kém hiện nay đó là tăng cường công tác đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu lao động.
Bởi theo nhiều nhận định, nội dung tuyên truyền về xuất khẩu lao động hiện nay chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú; chưa có những thông điệp cụ thể cho từng nhóm đối tượng, thiếu trọng điểm, thông tin về xuất khẩu lao động, về từng thị trường, các địa chỉ xuất khẩu lao động đáng tin cậy, về văn hóa và phong tục tập quán, luật pháp của nước sở tại, làm cho một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đúng về xuất khẩu lao động.
Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động còn thiếu thông tin, khả năng tự liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động là khó khăn; còn có tình trạng doanh nghiệp cần tuyển người thì không có trong khi đó người cần đi xuất khẩu lao động thì không biết ở đâu có nhu cầu để mà đến tuyển nên đã xảy ra các trường người lao động bị kẻ xấu lừa đảo do thiếu thông tin, gây tâm lý hoang mang cho người lao động và xã hội.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua chưa được thường xuyên, sâu rộng, mới chỉ tập trung chủ yếu vào các thời điểm khi có văn bản mới, hay vào các đối tượng là các cán bộ làm công tác lao động tại các địa phương, doanh nghiệp dịch vụ, nên có một bộ phận người dân và xã hội chưa được tiếp cận đến các chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao, chưa đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân và xã hội.
Trước vấn đề này, ông Lê Nhật Tân - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhân lực LOD còn chỉ ra thực tế, người lao động tại các địa phương khi muốn tham gia xuất khẩu lao động vẫn thường tham khảo và tìm hiểu thông tin qua thực tế bạn bè, người thân trong cùng làng xóm đã tham gia xuất khẩu lao động và thường có khuynh hướng đi theo những người đã đi trước, bản thân người lao động ít được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển chọn nên rất hạn chế về thông tin dẫn đến việc phải đi qua các môi giới trung gian tại địa phương và phải mất chi phí cho môi giới mới tiếp cận được với các doanh nghiệp.
Về cơ bản người lao động chưa hình dung được công việc cũng như thu nhập trước khi xuất cảnh, bị ảo tưởng về mức thu nhập, kỳ vọng quá nhiều trước khi đi sang nước ngoài. Ý thức kỷ luật và sự hiểu biết về pháp luật kém nên hay bị kích động, hay theo hội chứng đám đông, không có kỹ năng sống do chưa từng có kinh nghiệm làm việc thực tế, không khéo léo trong giao tiếp, trong ứng xử dẫn đến mâu thuẫn với người quản lý, bị phê bình, nhắc nhở nhiều, bị áp lực công việc dẫn đến bỏ trốn vì sợ phải về nước trước hạn…