CôngThương - Điểm qua những đóng góp của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Thuỷ sản góp 4,94 tỷ USD
Mặc dù liên tiếp gặp phải những khó khăn từ đầu năm tới nay, nhưng ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn “kiên cường” vượt qua và chinh phục nhiều thị trường mới trên thế giới. Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) ước tính hết năm 2010, ngành thủy sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 4,94 tỷ USD, tăng 16,3% so với con số thực hiện trong năm 2009.
Dẫn đầu trong xuất khẩu thủy sản phải kể đến sự đóng góp của sản phẩm tôm. Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2010 Việt Nam sẽ xuất khẩu được 220 ngàn tấn tôm, đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD, con số được coi là kỷ lục xuất khẩu của ngành thủy sản trong những năm qua.
Đứng thứ hai là sản phẩm cá tra, hiện nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 650.000 tấn cá tra. Trong 5 năm tới (2011-2015), lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 800 nghìn tấn/năm. Cùng với tôm và cá tra, năm nay giá trị xuất khẩu cá ngừ, nhuyễn thể và giáp xác khác cũng tăng trưởng khá.
Gạo xuất khẩu đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị
Năm 2010, xuất khẩu gạo được đánh giá là đạt kỷ lục cả về khối lượng và giá trị. Lượng gạo xuất khẩu cả năm 2010 ước đạt 6,88 triệu tấn, kim ngạch là 3,23 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 15,4% về lượng và tăng tới 21,2% về giá trị. Bình quân giá gạo xuất khẩu đạt 468 USD/tấn, tăng 5,02% so với năm trước.
Năm nay, thị trường Indonesia có mức tiêu thụ gạo của Việt Nam tăng đột biến, gấp 24 lần về khối lượng và 30 lần về giá trị so với năm ngoái. Số liệu trên đã đưa quốc gia này trở thành thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philippines và châu Phi.
Xuất khẩu cao su tăng gần 90% về kim ngạch
Ước tính xuất khẩu cao su cả năm 2010 đạt 773 nghìn tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD chỉ tăng 5,7% về lượng nhưng kim ngạch tăng tới 89,1%.
Giá cao su tăng liên tục là do nhu cầu tăng nhờ sản xuất công nghiệp tại các nước hồi phục, nguồn dự trữ của các quốc gia này lại giảm xuống mức thấp. Thời gian qua, các thị trường tiêu thụ lớn của cao su Việt Nam, ngoại trừ Trung Quốc đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, điển hình như Ấn Độ tăng gấp 3 lần về lượng và 7 lần về giá trị.
Bên cạnh đó, nguồn cung trên thế giới lại giảm vì bão lụt ở các nước có diện tích cao su lớn như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Giá cao su bình quân 11 tháng đã lên tới 2.923 USD/tấn, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoại lệ cà phê
Trong khi hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm, thuỷ sản thời gian qua xuất khẩu đều tăng cả về lượng và giá, thì mặt hàng cà phê lại đi theo hướng ngược lại.
Ảnh hưởng của thời tiết đã làm sản lượng cà phê thu hoạch sụt giảm, trong khi tình hình xuất khẩu cũng không mấy khả quan. Khối lượng xuất khẩu năm 2010 chỉ đạt 1,1 triệu tấn và giá trị thu về là 1,67 tỷ USD, giảm xấp xỉ 5% về lượng và 3,7% về giá trị so với con số đã đạt được trong năm 2009.
Năm nay, cũng có sự thay đổi lớn về vị trí của các thị trường tiêu thụ cà phê. Là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam năm 2009, Bỉ đã bị tụt xuống vị trí thứ 6 khi lượng nhập khẩu chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Trong khi đó, hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và Đức lại có sự tăng trưởng khá, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu điều 4 năm liên tiếp dẫn đầu thế giới
2010 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam chạm mốc 1 tỷ USD. Con số này đã giúp Việt Nam tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thế giới trong năm thứ tư về xuất khẩu mặt hàng này.
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính lượng điều xuất khẩu cả năm 2010 đạt khoảng 196 nghìn tấn, kim ngạch thu về là 1,14 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và 34,8% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt 5.737 USD/tấn tăng 21,5 % so với cùng kỳ năm 2009. Hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu bảng về tiêu thụ điều của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 32,6% về giá trị.
Với những thuận lợi nêu trên, sang năm 2011, ngành điều đặt mục tiêu mang về cho đất nước 1,5 tỷ USD thông qua hoạt động xuất khẩu, tăng khoảng 32% về giá trị so với năm 2010.
Gỗ và sản phẩm gỗ vượt 400 triệu so với kế hoạch
So với năm 2009, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng tới 31,2% về giá trị khi đạt con số 3,4 tỷ USD, vượt xa kế hoạch đặt ra hồi đầu năm là 3 tỷ USD.
Ba thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm tỷ trọng tới 66,3% về kim ngạch) đều có mức tăng trưởng khá, riêng Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần về kim ngạch nhập khẩu so với năm ngoái.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest), năm 2011 nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn rất lớn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này có thể đạt tới 4,1- 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Vietforest cho rằng những năm tới ngành gỗ phải tiếp tục đạt mức tăng trưởng khoảng 35%/năm thì đến năm 2020 mới đạt được mục tiêu kim ngạch là 7 tỷ USD như chiến lược phát triển mà ngành đã đề ra.
Theo VnEconomy