Xuất khẩu thủy sản: Không để trễ nhịp so với cơ hội thị trường 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,87 tỷ USD |
Theo Bộ NN&PTNT, tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 7/2021. So với tháng 7/2021, chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng về giá trị xuất khẩu gồm: Sắn và sản phẩm từ sắn tăng 26,6%; sản phầm từ ngũ cốc tăng 1,1%; sữa và sản phẩm sữa tăng 0,8%. Còn lại đều giảm mạnh về giá trị xuất khẩu, trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ giảm 50,2%; cá tra và tôm giảm 29,7%; rau củ giảm 25,8%; phân bón giảm 23,6%, hồ tiêu giảm 21,5%,…
Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8/2021 giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái |
Nguyên nhân chính do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp/nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp/nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.
Dù tháng 8, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm, nhưng do những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…
Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, cao su tăng 23,3% khối lượng, tăng 61,4% giá trị; hạt điều tăng 19,2% về khối lượng, tăng 15,1% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,4% về khối lượng và tăng 28,4% về giá trị. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu đạt 200 nghìn tấn, giảm 1,3%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn đạt 666 triệu USD, tăng 50,2%; hay cà phê dù khối lượng giảm 6,9% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhẹ 1,1%.
Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi (tăng 15,9%), cá tra (tăng 9,9%), tôm (tăng 7,7%); sản phẩm gỗ (tăng 45,4%), mây, tre, cói thảm (tăng 68,1%); quế (tăng 36,6%). 02 mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu dù giá xuất khẩu bình quân tăng, gồm: Gạo giảm 14,8% về khối lượng và giảm 6,8% về giá trị; chè giảm 6,0% về khối lượng và giảm 1,6% về giá trị.
Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 41,5% thị phần), châu Mỹ (31,3%), châu Âu (11,3%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%). Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt trên 2,2 tỷ USD (chiếm 6,8% thị phần); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 1,4 tỷ USD (chiếm 4,3% thị phần).