CôngThương - Được giá lợi cả tỷ giá
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 2 tháng đầu năm đạt 3,6 tỷ USD, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2010. Ông Nguyễn Viết Chiến, Giám đốc Trung tâm Thống kê tin học - Bộ NN&PTNT đánh giá, năm 2010, xuất khẩu NLTS đã đạt được những con số ấn tượng, thì năm nay, tình hình xuất khẩu còn khả quan hơn rất nhiều, không những được về giá mà còn lợi cả về tỷ giá.
Trong các mặt hàng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu NLTS phải kể đến thủy sản. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm của nhóm hàng này đã lên tới trên 800 triệu USD, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, dù gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu nhưng xuất khẩu tôm vẫn thu được những kết quả tốt, giá trị xuất khẩu vẫn tăng cả về lượng và giá trị. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra, basa cũng gặp nhiều thuận lợi trên các thị trường truyền thống và tiềm năng.
“Cà phê đang là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất về giá trị sau 2 năm lao đao, hiện giá cà phê xuất khẩu đang ở mức kỷ lục cao nhất trong vòng 15 năm qua. Nhờ vậy, khối lượng xuất khẩu tăng không đáng kể nhưng giá trị kim ngạch thu về tăng tới 40%”, ông Chiến cho biết. Dự báo, nếu cả năm vẫn giữ khối lượng xuất khẩu như năm 2010 và giá xuất khẩu bình quân giữ được như hiện nay, thì ngành cà phê sẽ vượt qua kỷ lục năm 2007, có thể kim ngạch sẽ đạt tới 2,4-2,5 tỷ USD trong năm 2011.
Nông dân cũng có lợi nhuận
Nếu như thời điểm này cách đây 1 năm, nông dân trồng cà phê trong nước chỉ bán được cho thương lái với giá 16.000-20.000 đồng/kg, thì trong suốt tháng 2-2011 đến đầu tháng 3, giá cà phê trong nước luôn cao ở mức 43.000 đồng/kg. Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở khu vực Tây Nguyên, mức giá này chưa phải là điểm dừng do tác động của tỷ giá USD, giá phân bón, xăng dầu sẽ tăng trong thời gian tới. Do vậy tâm lý phổ biến là nông dân trong vùng găm hàng chờ mức giá cao hơn.
Bên cạnh cà phê, gạo cũng đang là mặt hàng mang lại nhiều triển vọng cho ngành nông nghiệp. Hiện, thế giới đang sốt lương thực khi nhiều nước rơi vào cảnh mất mùa do thiên tai, hạn hán, chiến sự. Đây là cơ hội cho gạo Việt Nam bứt phá và giành được thắng lợi. Gần đây nhất, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã nâng mức giá sàn xuất khẩu trung bình tăng 20 USD/tấn với tất cả các loại gạo.
Hoạt động xuất khẩu gạo hứa hẹn sôi động ở giai đoạn sau, khi mà Indonesia đã tăng lượng mua gạo của Việt Nam gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây nhất, Myanmar cũng đã tạm dừng xuất khẩu gạo để bình ổn thị trường trong nước. Chưa năm nào trong chuỗi xuất khẩu mà lượng gạo giao trong 2 tháng đầu năm lại lớn như vậy, lên tới 1,1 triệu tấn. Đồng thời, từ ngày 1-3, 65 doanh nghiệp xuất khẩu gạo được chỉ định cũng đã bắt đầu thu mua dự trữ lúa gạo vụ Đông Xuân, dù theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 5.000 đồng/kg lúa.
Ông Chiến cho biết, trong khi việc tăng tỷ giá /USD đang thúc đẩy xuất khẩu tất cả các mặt hàng NLTS tăng trưởng mạnh, thì cũng đang kiềm chế nhập khẩu vật tư nông nghiệp. Bởi vậy, dù giá nhập khẩu tất cả các mặt hàng đều tăng cao, nhưng lượng nhập khẩu giảm, nên giá trị kim ngạch nhập khẩu của ngành có tốc độ tăng chậm hơn so với xuất khẩu: nhập khẩu chỉ tăng 20,3%, trong khi xuất khẩu tăng 50,7%. Ước tổng giá trị nhập khẩu vật tư nông nghiệp xấp xỉ 2,3 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu của toàn ngành trong 2 tháng đạt 1,3 tỷ USD.