Xuất khẩu sang EU: “Trông giỏ, bỏ thóc”
- Quý 1/2011, xuất khẩu vào châu Âu có mức tăng trưởng cao nhất với 40,7%. Ở nhiều quốc gia của châu lục này như Ba Lan, Đảo Sip, Áo... kim ngạch XK của các DN Việt Nam đã tăng từ 2-4 lần. Dự báo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2011 sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi cho các DN xuất khẩu. Bởi thế, hiểu biết và tận dụng tốt thị trường XK sẽ giúp DN thành công hơn. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy hiện nay ở nhiều DN xuất khẩu là chưa nắm bắt cũng như xử lý được thông tin về thị trường nước ngoài nên đôi khi tự gây khó khăn cho mình. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Việc khai thác, xử lý thông tin về thị trường XK của các DN trong nước có những vướng mắc nhất định, điều này đã hạn chế tiếp cận thông tin của DN về các yêu cầu của thị trường nhập khẩu cũng như những quy định về nhập khẩu. Bởi thế, khi muốn xuất khẩu hàng sang nước ngoài, DN nắm bắt thông tin, nhất là tình hình các nước NK, yêu cầu và nhu cầu nhập khẩu của họ, các quy định và ưu đãi về XK vào những thị trường mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do.
Với thị trường EU, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng: Khó khăn lớn nhất là rất nhiều DN còn chưa cập nhật đủ thông tin về XK một số mặt hàng cụ thể sang thị trường này. Thị trường EU đòi hỏi rất cao, có những yêu cầu mang tính đặc thù đối với từng loại ngành hàng, những tiêu chuẩn của EU và của các tổ chức khác. Nếu như không nắm bắt được thì sẽ mất thêm thời gian và chi phí trong việc XK hàng vào đây. Đơn cử như tiêu chuẩn Global Gap, một số nước tại châu Âu không cần quy định này đối với nhập khẩu hàng nông sản. Đồng quan điểm này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ, ông Trần Trung Thực, cho hay: Global Gap là tiêu chuẩn của một tổ chức tư nhân đặt ra các yêu cầu cho hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có nhiều quy định cao hơn cả các tiêu chuẩn mà EU đưa ra. Điều này khiến không ít các nước trong Liên minh châu Âu không hài lòng do yêu cầu quá cao, lượng hàng XK vào đây bị giảm, hơn nữa các DN xuất khẩu cũng bị tốn kém chi phí hơn khi thực hiện kiểm tra và xin giấy chứng nhận. Bởi thế, các DN xuất khẩu cũng nên lưu ý và có những ứng xử khéo léo với những tổ chức thế này.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cũng cho biết, chỉ có quy tắc phát triển thủy sản có trách nhiệm CoC của FAO ban hành năm 2004 được coi là quy định chung, có tính pháp lý trên toàn cầu. Một chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho biết: các loại chứng nhận khác như SQF, HACCP, Global GAP... không phải tiêu chuẩn bắt buộc mà chỉ là những tài liệu hướng dẫn của một số tổ chức kinh doanh thực phẩm quốc tế. Nếu DN nuôi trồng thủy sản, nông sản và DN xuất khẩu không tìm hiểu kỹ thì sẽ "tự mua dây buộc mình" và tốn kém không cần thiết. Đơn cử, khoản học phí cho tiêu chuẩn SQF (đưa ra các yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng cần thiết để xác định rủi ro về chất lượng và an toàn thực phẩm cũng như để đánh giá và theo dõi các biện pháp) đã mất 100 USD/người/lần học, đó là chưa bao gồm chi phí kiểm tra và chứng nhận. Đối với Global GAP, số tiền để được chứng nhận là 7.500 USD/lần/năm với tối thiểu 5ha nuôi cá trở lên. Tính toán sơ bộ, những tiêu chí Global GAP, SQF... chiếm gần 10% giá thành sản phẩm.
Thị trường EU nhập khẩu nhiều mặt hàng đồ gỗ ở các thị trường lớn như Việt Nam, Malaysia, Indonesia…, năm 2010 Việt NamXK đồ gỗ sang EU đạt kim ngạchtrên 500 triệu USD, chủ yếu là sản phẩm bàn ghế dùng ngoài trời. Tham tán Trần Trung Thực cho rằng, còn tiềm năng lớn cho các DN xuất khẩu đồ gỗ vào EU nếu biết đi sâu vào phân khúc thị trường đồ nội thất. Các DN Việt Nam ít XK được những mặt hàng nội thất do thiết kế chưa được đổi mới.
Ông Thực lưu ý với những DN xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản sang EU cần chú ý về nguồn gốc nguyên liệu. Theo ông, thị trường này có yêu cầu cao, đặc biệt là với hàng thủy sản, không chỉ trực tiếp với mặt hàng xuất khẩu mà còn liên quan đến đánh bắt, nguồn gốc nguyên liệu… Đặc biệt, nếu DN chỉ có một lô hàng hóa bị nhiễm khuẩn hoặc vi phạm theo tiêu chuẩn châu Âu thì sẽ bị giám sát thêm 10 lô hàng tiếp theo rồi mới được bỏ giám sát.
Đại diện Vụ châu Âu- Bộ Công Thương cho rằng: Hầu hết năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của Việt Nam đều rất tốt nhưng các DN cần hết sức đoàn kết để đưa ra mức giá tốt nhất, tránh bị DN nước ngoài chèn ép giá, không nên đưa ra mức giá thấp vừa mang lại ít lợi nhuận, mặt khác lại dễ bị kiện chống bán phá giá.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định: Không chỉ riêng với thị trường châu Âu mà với các thị trường xuất khẩu khác, Bộ Công Thương sẽ hết sức nỗ lực hỗ trợ thông tin cho các DN. Song, các DN cũng cần chủ động tìm kiếm và khai thác thông tin do Bộ cung cấp trực tiếp trên Cổng thông tin Thị trường nước ngoài và thông tin từ các thương vụ để đẩy mạnh XK hàng hóa của đơn vị mình. Với thị trường tiềm năng như EU, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Việt Nam đang trao đổi với các chuyên gia EU về khả năng đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Nếu thỏa thuận được thì đây sẽ là cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu vì sẽ được hưởng nhiều dòng thuế ưu đãi khi xuất sang thị trường này.
Thùy Linh