CôngThương - Dự báo này trên được dựa trên cơ sở kinh tế Nam Phi sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,5- 4%, cộng thêm việc Chính phủ Nam Phi gia tăng đầu tư công nhằm tạo việc làm mới khiến nhu cầu nhập khẩu tăng. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam đã dành được tín nhiệm tại thị trường.
Ngoài ra, Nam Phi là cửa ngõ số một cho hàng hóa Việt Nam vào châu Phi, do đó sẽ là trọng tâm trong công tác thị trường của Bộ Công Thương với tiêu điểm triển khai đề án “Phát huy khả năng của các doanh nghiệp xuất khẩu tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi”.
Năm 2010, số liệu thống kê của thương mại Việt Nam- Nam Phi cho thấy, xu hướng tăng tốc mạnh mẽ, đạt mức cao nhất từ trước tới nay với kim ngạch 640,31 triệu USD, tăng 26,7% so với cả năm 2009 và gấp 3 lần so với năm 2005. Trong đó, xuất khẩu đạt 487,76 triệu USD và nhập khẩu đạt 152,55 triệu USD.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi trong nhiều năm luôn cao hơn tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu đã luôn duy trì xuất siêu cho Việt Nam. Năm 2010 có kim ngạch xuất siêu cao nhất sang Nam Phi từ trước tới nay với 335 triệu USD, tăng 33% so với năm 2009 và xấp xỉ 90 lần so với năm 2005.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Nam Phi, ngoài đá quý và kim loại quý luôn chiếm tỷ trọng lớn,những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu khẩu cao là giày dép (40,81 triệu USD), dệt may (18,41 triệu USD), cà phê (15,78 triệu USD), gạo (13,36 triệu USD)..
Các mặt hàng mới cũng cho thấy tiềm năng lớn như điện thoại di động tuy mới được xuất khẩu sang Nam Phi kể từ năm 2009 nhưng kim ngạch năm 2010 đã đạt 35,48 triệu USD và một số mặt hàng như sản phẩm sắn, đĩa DVD…
Kết quả khả quan trong thương mại Việt Nam- Nam Phi là nhờ kinh tế Nam Phi năm 2010 thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng gần 3% so với mức -1,8% của năm 2009, khiến cho nhu cầu nhập khẩu gia tăng trở lại, đặc biệt nhu cầu hàng hoá nhập khẩu phục vụ cho World Cup và giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng tăng.
Động lực lớn cho tăng trưởng kim ngạch nói trên phải kể tới sự chủ động tích cực thâm nhập thị trường của Bộ Công Thương và doanh nghiệp với nhiều chương trình, đề án và sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi….
Tuy nhiên, thương mại Việt Nam- Nam Phi cũng tiềm ẩn không ít các rủi ro như mâu thuẫn chính trị ở Nam Phi về vấn đề quốc hữu hóa hầm mỏ, ngân hàng, cải cách ruộng đất… làm giới doanh nghiệp lo lắng. An ninh có được cải thiện nhưng với diễn biến xã hội phức tạp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cũng là một thách thức đối với Nam Phi trong thời gian tới.
Trong 2 năm trở lại đây, nhóm hàng đá quý và kim loại quý luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi (năm 2010 chiếm tỷ trọng 37%, năm 2009 là 53%) nên sự biến động của nhóm mặt hàng này sẽ tác động không nhỏ tới kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi.
Thế Cường
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á