Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc: Đảm bảo “sạch” mầm bệnh
Theo đó, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp có liên quan tăng cường triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid - 19 đối với xuất khẩu thanh long qua Trung Quốc.
Thanh long đóng gói xuất khẩu |
Cụ thể, Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo trong thời gian tới đây, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Do vậy sở chức năng, UBND các huyện - thị xã - thành phố, Hiệp hội Thanh long và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trên địa bàn Bình Thuận cần phối hợp triển khai một số nội dung nhằm tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc được thuận lợi.
Ngay trong tháng 5/2022, Sở Công Thương tiến hành chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức đoàn làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long về tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với hàng hóa xuất khẩu cũng như vấn đề tiêu thụ thời gian qua. Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giám sát việc quản lý, sử dụng mã vùng trồng, mã đóng gói thanh long đã được cấp theo quy định, nhất là với những cơ sở được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng hóa chất, chất kích thích, chất tăng trọng… trong toàn chuỗi sản xuất - tiêu thụ thanh long nhằm đảm bảo quy trình sản xuất được an toàn.
Đối với chính quyền các địa phương thì quan tâm nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 tại công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở đóng gói, thu mua thanh long cũng như các tổ chức, cá nhân có hoạt động giao nhận hàng hóa trong sản xuất - kinh doanh tại địa phương. Trong khi đó, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cần thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp thông qua tăng cường thông tin về tình hình thị trường, giá cả… giúp doanh nghiệp thành viên chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Tích cực vận động doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long.
Riêng doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phải thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình xuất nhập khẩu cũng như quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Chú trọng thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, tăng cường kiểm tra sản phẩm trước khi nhận và xuất hàng.
Bên cạnh đó cũng đảm bảo thực hiện khử khuẩn đối với công nhân, người lao động trong suốt quá trình sản xuất, thu hoạch. Mặt khác còn khử khuẩn hàng hóa và phương tiện ngay từ khi đóng gói bao bì, bốc xếp lên phương tiện để xuất xưởng, đảm bảo không tồn tại mầm bệnh trong toàn bộ quá trình sản xuất và chuyên chở hàng hóa từ nơi sản xuất lên cửa khẩu và cho đến khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp tục thực hiện tốt truy xuất gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ doanh nghiệp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đảm bảo đủ điều kiện thông quan khi đưa hàng hóa lên cửa khẩu…