CôngThương - Lượng cung vượt xa lượng cầu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến ngày 31/3/2011, tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) của cả nước đã đạt con số 8.990.000 tấn/năm. Trong khi đó, tổng lượng bán mặt hàng này của cả nước năm 2010 mới chỉ dừng ở mức 6.321.800 tấn.
Theo dõi số liệu tiêu thụ thép của nước ta trong 5 năm (từ 2005- 2010), mức tiêu thụ chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất thép xây dựng của các công ty. Thị trường trong nước những năm qua chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu thép.
Đối với năm 2011, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất trong 4 tháng đầu năm đạt 1.771.474 tấn. Trong tháng 5, Hiệp hội ước tính sản lượng loại thép này sẽ đạt mức 440.000 tấn. Như vậy, ước tính ban đầu cho 5 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sẽ vào khoảng 2,21 triệu tấn, tăng 281.000 tấn (+14%) so với cùng kỳ 2010.
Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ thép xây dựng 4 tháng đầu năm 2011 ở ngưỡng 1.711.535 tấn. Theo ước tính mới đây của VSA, tiêu thụ thép tháng 5 dừng ở 430.000 tấn. Tính cả 5 tháng, tiêu thụ thép cả nước ước đạt 2,14 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010. Chưa kể tới mức tồn kho thành phẩm tháng 5 vào khoảng 320.000 tấn, phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng 6 là 520.000 tấn. Như vậy, lượng cung hiện tại đã vượt xa lượng cầu.
Đó là chưa tính, hiện các nhà máy thép mới chỉ vận hành với 50-60% công suất thiết kế.
Thêm vào đó, ngay trong năm 2011, nước ta sẽ có thêm 8 dự án đầu tư dự kiến đi vào sản xuất với tổng công suất hơn 2 triệu tấn/năm, như dự án nhà máy cán của Công ty Thép Việt, Công ty Thái Trung (đều với công suất 500.000 tấn/năm), Công ty Thép Miền Trung (công suất 250.000 tấn/năm)… Năm 2012 cũng dự kiến có 3 nhà máy cán bắt đầu hoạt động với công suất lên tới 655.00 tấn/năm.
Đánh giá về tình hình trên, ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam- cho biết ““Ngành thép đang có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng thừa”.
Giải pháp tối ưu?
Trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay, Chính phủ đang tập trung mọi biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt có biện pháp cắt giảm đầu tư công, đình chỉ một số dự án đầu tư không hiệu quả ở tất cả các địa phương trong cả nước. Cộng thêm với chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động tài chính, ngân hàng, dự đoán, tiêu thụ thép nội địa năm nay sẽ khó có thể tăng mạnh. Vì vậy, dư công suất, thừa thành phẩm, vấn đề này đang là bài toán khó đối với ngành thép.
Theo thông tin từ Tổng Cục Hải quan, năm 2010, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,05 tỷ USD. Con số này quá khiêm tốn so với 6,15 tỷ USD nhập khẩu thép và các sản phẩm liên quan đến thép. Việt Nam mới chỉ xuất khẩu một vài sản phẩm thép, trong đó thép xây dựng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Trong tháng 4/2011, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, giá trị xuất khẩu của sắt thép các loại chỉ đạt 111.555.616 USD, trong khi nhập khẩu lại lên tới 606.430.405 USD. Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành thép hiện nay. Hơn nữa, sự mất cân đối giữa xuất-nhập khẩu của mặt hàng sắt thép của cũng góp phần làm lệch cán cân thương mại quốc gia.
Ông Phạm Chí Cường nhận định, hướng đi hiệu quả nhất hiện nay là phải tăng cường xuất khẩu thành phẩm (không phải phôi hay quặng thô), vừa giải tỏa lượng hàng tồn trong các nhà máy, vừa cải thiện chênh lệch xuất nhập khẩu của ngành.
Gian nan tìm đường xuất khẩu
Theo Chủ tịch VSA, Lào, Cămpuchia, Trung Đông hiện là những điểm đến chủ yếu của sản phẩm thép xuất khẩu. Mới đây, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, thép ống của Việt Nam đã vào được thị trường Mỹ. Đây thực sự là một thành công lớn của ngành, bởi Mỹ là thị trường rất khó tính. Vào được Mỹ, thép Việt đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh găy gắt về giá với các nước khác như Trung Quốc, Australia. Những nước này xuất khẩu sắt thép với sản lượng rất lớn, lại được ưu đãi về thuế, nên khi ra thị trường thế giới, giá sản phẩm rất cạnh tranh. Trong khi, Việt Nam vừa xuất khẩu với sản lượng nhỏ, lại chưa được hỗ trợ về thuế , nên khả năng cạnh tranh của thép Việt chưa cao.
Hiện Hiệp hội đang kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động xuất khẩu, trước hết là không tăng thuế xuất khẩu sắt thép.
Trước thông tin cho rằng, sản xuất thép trong nước đang tranh thủ giá điện rẻ để tăng cường xuất khẩu thu lợi, ông Phạm Chí Cường giải thích: “Điều này là không đúng. Giá điện chỉ chiếm 6% trong giá thép, tăng giá điện không ảnh hưởng lớn tới giá thép. Vì vậy, không thể lấy lý do này để tăng thuế xuất khẩu thép”.
Với tiềm lực sản xuất cao, sản lượng dư thừa, ngành thép nước đang có động lực rất tốt cho xuất khẩu. Nếu được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là về thuế, chắc chắn xuất khẩu của thép Việt sẽ dần tìm được vị trí tương xứng với tiềm năng của mình.